Công bố quyết định thành lập và ra mắt ban chủ nhiệm CLB FDI Thừa Thiên Huế
Buổi tọa đàm do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chủ trì cùng sự tham dự của lãnh đạo các sở, ban, ngành và đại diện trên 50 doanh nghiệp FDI trên địa bàn.
Điểm đến của các nhà đầu tư
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương ghi nhận: Bên cạnh những đóng góp trực tiếp, khu vực đầu tư nước ngoài đã có tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác của nền kinh tế, trong đó, việc khơi dậy các nguồn lực đầu tư trong nước, tạo sức ép cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, góp phần đưa Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng từng bước tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Minh chứng là đến nay, Thừa Thiên Huế đã trở thành điểm đến của một số tập đoàn trên thế giới như Carlsberg, Banyan Tree, Scavi, CP... với những sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao, qua đó góp phần ngày càng nâng cao vị thế của Thừa Thiên Huế trong nước và trên thế giới.
CEO Laguna Lăng Cô - Gavin Herholdt trình bày tại buổi tọa đàm
Theo Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Đình Khánh, năm nay đánh dấu tròn 30 năm Việt Nam chính thức thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hội nhập quốc tế. Đối với Thừa Thiên Huế, từ năm 2000 đến nay, tỉnh đã thu hút và cấp phép cho hơn 550 dự án (DA), với tổng vốn đăng ký đầu tư là 130 nghìn tỷ đồng, trong đó, có 96 DA có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chiếm 54% tổng vốn đăng ký đầu tư và trong tổng số 70 doanh nghiệp FDI đang hoạt động, có khoảng 40 donh nghiệp hoạt động có hiệu quả, mong muốn mở rộng sản xuất kinh doanh.
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tư lưu ý một số điểm đối với các doanh nghiệp FDI về tỷ trọng DA chậm tiến độ, ngừng triển khai hiện chiếm gần 30% tổng số DA; 70% tổng vốn cam kết đầu tư chưa được giải ngân thực hiện cũng như chưa khai thác được tính lan tỏa từ các doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp địa phương, chưa tạo được điều kiện cho doanh nghiệp địa phương tham gia chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp FDI.
Thẳng thắn, cởi mở
Tại buổi đối thoại, đại diện một số doanh nghiệp FDI đánh giá cao sự hỗ trợ, giúp đỡ, ủng hộ từ phía chính quyền địa phương đối với doanh nghiệp khi đến đầu tư tại Thừa Thiên Huế.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 96 DA đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 3,5 tỷ USD, chiếm 1,08% tổng vốn đăng ký của Việt Nam, đứng thứ 22 so với cả nước và xếp thứ 3 trong 5 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và xếp thứ 6/17 của miền Trung- Tây Nguyên về thu hút đầu tư nước ngoài. Trong đó, DA Laguna Lăng Cô đã tăng vốn đầu tư từ 875 triệu USD lên 2 tỷ USD - sẽ là một DA lĩnh vực du lịch mũi nhọn. Năm 2017, doanh thu khu vực FDI đạt 800 triệu USD, nộp ngân sách 87,7 triệu USD, giải quyết việc làm cho 17.500 lao động, xuất khẩu. |
Giám đốc điều hành Laguna Lăng Cô ông Gavin Herholdt bày tỏ: Trong quá trình làm việc tại Thừa Thiên Huế, chúng tôi nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương, nhất là qua việc giúp Laguna xin được giấy phép để xây dựng và kinh doanh Casino. Qua đó, chúng tôi thu hút được nhiều sự quan tâm, tạo được niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Laguna nói riêng và khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô nói chung.
Ông Trần Văn Mỹ, Tổng Giám đốc Scavi cho rằng: Doanh nghiệp FDI khi đầu trong nước thường gặp rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, hành chính và nhất là nguồn nhân lực. Tuy nhiên, đối với Scavi, những rào cản này đang dần tháo gỡ bằng cách liên kết các trường đại học tại Huế để đào tạo sinh viên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường vì chính lực lượng sinh viên sẽ là nguồn nhân lực “vàng” để cung cấp cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI.
Tổng Giám đốc Công ty Hello Quốc tế Việt Nam- ông Trương Quốc Cường thẳng thắn: Hiện, công ty đang đầu tư cơ sở hạ tầng tại khu công nghiệp Tứ Hạ (Hương Trà), tuy nhiên, do gặp khó khăn trong thực hiện các thủ tục hành chính nên thời gian kéo dài, vì vậy, mong tỉnh có hướng hỗ trợ doanh nghiệp sớm hoàn thiện thủ tục để triển khai thực hiện.
Tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhìn nhận, để đào tạo đáp ứng nhu cầu các doanh nghiệp, đúng là tỉnh vẫn chưa làm được. Vì vậy, sẽ tiếp tục tiến trình này sao cho học viên khi ra trường đều đáp ứng cơ bản nhu cầu của doanh nghiệp. Về thủ tục hành chính, chính quyền các cấp đang hết sức nỗ lực với mục tiêu chính là phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
“Tuy vậy, trong tiến trình xử lý hồ sơ, giải quyết thủ tục, không tránh khỏi những bất cập, chậm trễ, cụ thể là đối với Công ty Hello, tỉnh đang bám rất sát để tháo gỡ, bảo đảm dự án nhanh chóng đi vào hoạt động. Tỉnh mong muốn đồng hành cùng các doanh nghiệp FDI trên địa bàn Thừa Thiên Huế trong thời gian tới, đồng thời, mong rằng qua các nhà đầu tư sẽ mời chào, giới thiệu các nhà đầu tư khác đến với Huế”, ông Phương nói.
Dịp này, UBND tỉnh đã công bố Quyết định thành lập Câu lạc bộ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Thừa Thiên Huế và ra mắt Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ.
Bài, ảnh: Liên Minh