Thông tin về Luật An ninh mạng được nhiều người tìm hiểu. Ảnh: Hữu Phúc

Ban hành Luật An ninh mạng là cần thiết

Công nghệ internet xuất hiện ở Việt Nam đã trên 20 năm.  Đó là sản phẩm trí tuệ của nhân loại, góp phần quan trọng trong phát triển mọi mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, mạng xã hội với mặt tích cực cũng xuất hiện những mặt trái tiêu cực, tác động không nhỏ  đến văn hóa,  kinh tế, xã hội và an ninh, quốc phòng. Các đối tượng xấu cũng lợi dụng không gian đa chiều, “không gian giấu mặt” để phá hoại an ninh trật tự và tác động xấu đến quyền,  lợi ích hợp pháp của người dân. Việt Nam  đã ban hành nhiều văn bản luật và dưới luật điều chỉnh đối với công nghệ thông tin và quản lý mạng, nhưng  mới chỉ quản lý hành chính, chưa đầy đủ chế tài,  chưa đủ mạnh để hạn chế mặt tiêu cực.   

Hiện nay, không chỉ Việt Nam mà có trên 140 quốc gia ban hành luật về quản lý mạng. Các nước phát triển như Mỹ,  Canada,  Úc... cũng đã ban hành luật quản lý và không ít lần buộc ông chủ Facebook phải giải trình về hoạt động nhà mạng  này ở các quốc gia. Việt Nam không phải là ngoại lệ khi có đến gần 50 triệu tài khoản mạng. Luật An ninh mạng ra đời trước thực tế đòi hỏi như vậy.

Cần hiểu đúng luật

Văn bản Luật An ninh mạng với 7 chương 43 điều nhưng không có điều khoản nào cấm mọi người dùng mạng xã hội nói chung, Facebook, Google nói riêng và quyền tiếp cận thông tin của công dân. Những kẻ phản ứng tung tin cho rằng, sau khi Luật An ninh mạng có hiệu lực, sẽ diễn ra những chiến dịch bắt bớ những người bất đồng chính kiến, kìm chế gắt gao những người phản biện, đó là những suy diễn mang tính kích động.

Cụ thể, luật cũng nêu rõ trong Chương 3 về “Phòng ngừa và xử lý vi phạm an ninh mạng” (quy định tại các điều từ 16 đến 22), chủ yếu là các hành vi vi phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và an toàn mạng. Một số người không hiểu hoặc cố tình không hiểu cho rằng, những điều khoản này sẽ “bịt mắt, bịt miệng, bịt tai dân chúng”, là cái gậy để đánh vào những thành phần đối lập. Tuy nhiên, họ không biết rằng đã là luật sẽ không có suy diễn và chỉ những ai vi phạm vào các điều khoản quy định mới phạm luật. Như vậy, khi luật có hiệu lực thì mọi người dân vẫn được sử dụng mạng bình thường, không hạn chế người dùng,  mọi người có quyền đưa ý kiến,  quan điểm riêng của mình,  miễn là không vi phạm vào những nội dung bị cấm.

Không gian ảo, hậu quả thật

Mỗi khi mở mạng, bên cạnh những thông tin tốt thì cũng không thiếu những thông tin không hay, trái chiều, giả mạo, lừa đảo và cả những thông tin vi phạm pháp luật.

Gần đây, đối tượng “giấu mặt”  phát lên mạng lời kêu gọi biểu tình toàn quốc ngày 9, 10/6 để tạo áp lực với Quốc hội không thông qua dự án Luật Đơn vị Hành chính- Kinh tế đặc biệt và Luật An ninh mạng. Mới nhìn vào nhiều người lầm tưởng ai đó có uy tín, có trách nhiệm với đất nước đứng ra kêu gọi nên đã có hàng loạt tài khoản chia sẻ và bình luận hưởng ứng. Từ một địa chỉ ban đầu lan tỏa ra hàng triệu “like” với hàng loạt địa chỉ khắp các miền đất nước. Hậu quả là một số người nhẹ dạ tin theo đã kéo đi, gọi là “biểu tình yêu nước” như vụ gây rối xẩy ra ở Bình Thuận và một số địa phương.

Những clip trên youtube, trên các tài khoản cá nhân nhiều khi là hoàn toàn bịa đặt, nhưng có nhiều người thiếu hiểu biết,  thiếu đánh giá vẫn bình luận, chia sẻ làm cho nhiều người tin đây là sự thật. Hậu quả ảnh hưởng đến xã hội quá lớn,  có lúc vượt ra khỏi tầm kiểm soát đối với từng cá nhân và toàn xã hội. Thông tin ảo nhưng hậu quả là thật với tác hại vô cùng nghiêm trọng. Những người đưa lên mạng có ý đồ xấu cũng chỉ mong như vậy…

Âm mưu của những kẻ chống Luật An ninh mạng

Mạng là kênh thông tin không chính thống, có thật, có giả, nhưng lại được tán phát nhanh đến nhiều người nhất. Đây là đặc điểm nổi bật được các loại tội phạm tận dụng làm phương tiện tuyên truyền chống đối và các hoạt động phi pháp khác.

Trên thế giới, trong chính biến “Cách mạng hoa nhài” ở Bắc Phi, Trung Đông, phe đối lập đã dùng phương thức tuyên truyền, gây mâu thuẫn, chia rẽ, kích động, bạo loạn thông qua mạng xã hội, dẫn đến nhưng xung đột đẫm máu, tàn khốc.  Dòng người bỏ quê hương chạy tị nạn ở đó ngày một dài và không biết khi nào chấm dứt khi chính họ vừa là nạn nhân, vừa là những con rối bị giật dây.

Ở Việt Nam, kẻ xấu lợi dụng mạng xã hội với những chiến dịch nhằm gây chia rẽ, mâu thuẫn,  kêu gọi các tổ chức chính phủ,  các tổ chức dân sự cùng lên tiếng ủng hộ. Một số kẻ mượn danh “dân chủ”, “phản biện” để lợi dụng phương thức này nhằm tạo nên “tiếng nói chính nghĩa” theo kiểu của họ, để " ném đá giấu tay”, mượn mạng ảo để kích động chống đối mà việc phản đối Luật An ninh mạng, cho rằng luật  là “bàn tay vô hình che tai, che miệng, che mắt” của người dân, là phương tiện bưng bít tố cáo nạn tham nhũng của quan chức...là một ví dụ.

Mạng xã hội nếu dùng không đúng mục đích sẽ là nguy cơ đe dọa an ninh lớn của nhân loại. Thực tế cho thấy, an ninh phi truyền thống với mạng xã hội đã diễn ra và sẽ còn tiềm ẩn những nguy cơ mất an ninh lâu dài, đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện an ninh mạng nhằm giữ môi trường bình yên.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH