Dạy kỹ năng sống ở các trường mầm non

Chuyện học của trẻ mầm non đôi khi là cả một “vấn đề” của nhiều gia đình. Tùy điều kiện của mỗi người nhưng phụ huynh vẫn muốn chọn những ngôi trường được xây dựng khang trang, lớp học có ít cháu, con được ăn sáng tại trường, đi học sớm, về muộn khi bố mẹ bận… Thế nên, nhiều cơ sở mầm non ngoài công lập hình thành, đáp ứng nhu cầu của mỗi gia đình với cam kết chăm sóc trẻ theo hướng chất lượng cao. Tuy nhiên, mức học phí dao động từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng/cháu/tháng, khá cao so với mặt bằng chung và thu nhập của nhiều gia đình.

Phụ huynh chỉ thích gửi con theo mô hình này khi các cháu còn bé để được chăm bẵm. Còn qua tuổi mẫu giáo, họ chuyển con sang các trường công lập. Bởi, không phải ai cũng đủ khả năng cho con học trường “chất lượng cao". Hơn nữa, tâm lý muốn con học trường do Nhà nước quản lý vốn đã ăn sâu trong suy nghĩ của người Huế. Thế nên, mầm non công lập vẫn là lựa chọn hàng đầu của đa số phụ huynh. Hàng loạt ưu điểm khiến phụ huynh yên tâm: Môi trường học tập tốt, giáo viên được đào tạo bài bản, trẻ có chương trình học theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo...

Nhiều phụ huynh mong có mô hình trường mầm non “hai trong một”, nghĩa là vừa chất lượng, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh nhưng lại có sự quản lý của Nhà nước. Đầu năm 2018, Trường thực hành mầm non Họa Mi là trường công lập đầu tiên thực hiện theo mô hình tự chủ về tài chính. Với mức học phí bằng 50% các trường mầm non chất lượng cao nhưng hoạt động bài bản, quy củ nên số trẻ đến gửi ngày càng đông. Mới đây, đề án tự chủ tài chính một số trường mầm non trên địa bàn TP. Huế khiến phụ huynh phấn khởi. Trước mắt, các trường mầm non công lập ở khu vực có điều kiện thuận lợi, kinh tế phát triển sẽ thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, tự đảm bảo một phần chi thường xuyên. Nhà nước chỉ đầu tư khi cần thiết như sửa chữa lớn, xây dựng mới, mua sắm trang thiết bị…

Năm học 2018 -2019, hai trường Mầm non 1 và Mầm non 2 đủ điều kiện để thực hiện thí điểm mô hình tự chủ một phần tài chính. Đây được xem là hai “trường điểm”, được phụ huynh “chọn mặt, gửi vàng” ở hai bờ Nam và Bắc TP. Huế. Những ngôi trường này đều được hình thành trên 40 năm, đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 3 nên phụ huynh yên tâm. Cơ chế "xin" trường trái tuyến của phụ huynh lâu nay sẽ được “cởi trói”. Phương án này vẹn cả đôi đường khi đáp ứng nhu cầu của phụ huynh muốn có điều kiện chăm sóc con tốt hơn. Ban đầu, các trường này vẫn còn sự hỗ trợ của Nhà nước nên mức học phí sẽ tăng lên 900.000 đồng/cháu, kể cả tiền ăn thì khoảng 1.450.000 đồng/cháu/tháng.

Đến năm 2030, sẽ  có 11/31 trường công lập chuyển đổi qua mô hình tự chủ với lộ trình phù hợp. Với cách làm này, sẽ giao quyền tự chủ cho các trường công lập, nhằm tạo môi trường tốt hơn trong chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục các cháu. Ngân sách của Nhà nước tập trung đầu tư cho các đơn vị giáo dục còn khó khăn.

Dẫu đề án đưa ra những giải pháp chặt chẽ, nhưng cũng cần “trông người mà nghĩ đến ta” khi không phải mô hình mầm non công lập tự chủ về tài chính nào cũng thành công nếu không có phương pháp quản lý phù hợp. Còn nhớ mô hình này đã thực hiện không khả thi ở TP. Hồ Chi Minh, khi sự có sự cạnh tranh giữa nhiều trường mầm non công lập trên địa bàn. Tất nhiên, những “trường sinh sau, đẻ muộn” thường được đầu tư cơ sở vật chất tốt hơn, đặc biệt có những hạng mục phù hợp để giảng dạy chương trình mới. Trong khi đó, các trường nằm trong đề án không thực hiện đúng lộ trình, học phí lại cao nên phụ huynh chuyển con sang học các trường công lập khác.

Cái đích của tự chủ vẫn là tăng cường chất lượng giáo dục cũng như dịch vụ chăm sóc và nuôi dạy trẻ. Chất lượng cũng phải tương xứng nếu không phụ huynh sẽ "quay lưng" với trường mầm non công lập.  Thế nên, đừng để tình trạng “bình mới, rượu cũ” mà cần phải huy động, quản lý và sử dụng nguồn học phí một cách hiệu quả.

Bài, ảnh: AN NHIÊN