Tảo hôn khiến trẻ em gái phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống. Ảnh: Malay Mail
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh ước tính có khoảng 12 triệu trẻ em mỗi năm phải chấp nhận kết hôn trước năm 18 tuổi, từ đó phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn trong giáo dục và sức khỏe. Do vậy, kết thúc nạn tảo hôn vào năm 2030 là một trong những mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc.
Mặc dù tỷ lệ trẻ em gái kết hôn sớm đã có dấu hiệu giảm dần, song Giám đốc điều hành tổ chức phi chính phủ Girls not Brides Lakshmi Sundaram khẳng định: “Một sự thay đổi toàn diện” là hoàn toàn cần thiết khi tình hình biến đổi khí hậu và gia tăng xung đột có thể ảnh hưởng đến nhận thức của người dân.
“Đó là một mục tiêu đầy tham vọng. Những gì chúng ta cần nhìn thấy lúc này là chuỗi hành động khẩn trương của nhà nước và các nhà hảo tâm. Nhiệm vụ của họ là bảo vệ công dân, bảo vệ trẻ em gái”, hãng tin Devdiscourse dẫn lời giám đốc Lakshmi Sundaram cho hay.
Các nhà vận động cho biết, kết hôn sớm không chỉ khiến trẻ em gái phải bỏ học mà còn làm tăng nguy cơ trẻ em phải đối mặt với các tệ nạn xã hội như: bạo hành tình dục, lạm dụng lao động và tử vong do sinh con quá sớm... Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), tảo hôn hiện đang ảnh hưởng đến 650 triệu phụ nữ và trẻ em gái. Trong trường hợp nhà nước không nhanh chóng triển khai các biện pháp phù hợp, có thể con số này sẽ tăng lên đến 150 nghìn người vào năm 2030.
Trong một dữ kiện khác có liên quan, Giám đốc Trung tâm nguồn và nghiên cứu về phụ nữ Châu Á – Thái Bình Dương (ARROW) Sivananthi Thanenthiran cho hay, nâng cao nhận thức, giáo dục cho trẻ em gái là một trong những bước đi quan trọng. Cải thiện bình đẳng giới cũng sẽ hỗ trợ ngăn chặn sự bành trướng của nạn tảo hôn. Tuy nhiên, thay đổi nhận thức của từng cá nhân cần được xem là biện pháp chìa khóa giúp chấm dứt vấn nạn xã hội này.
Đan Lê (Lược dịch từ Devdiscourse)