Người dân Mumbai tạo dựng thói quen không sử dụng các sản phẩm nhựa để bảo vệ môi trường. Ảnh: The Guardian

Ngoài ra, giới chức nước này cũng tuyên bố sẽ áp dụng biện pháp chế tài có giá trị tối đa lên đến 25.000 Rupi (276 Euro) và ba tháng tù giam đối với các cá nhân cố tình vi phạm.

Sau khi quy định mới chính thức có hiệu lực, cơ quan chức năng đã nhanh chóng triển khai công tác thanh tra, tuần tra khắp thành phố để bắt giữ những doanh nghiệp nhà hàng, khách sạn và người dân vẫn cố tình sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 4 doanh nghiệp phải chịu phạt, trong đó bao gồm cả McDonald’s và Starbucks.

Trả lời phỏng vấn của báo giới, Kamlash Mohan Chaudhary – một công dân Mumbai cho biết: “Trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm đang diễn ra rất nghiêm trọng thì đây là một chính sách phù hợp. Song việc thay đổi thói quen của người dân trong phút chốc là điều rất khó khăn. Mọi người luôn đựng tất cả mọi thứ trong túi nhựa”.

Cùng lúc đó, Chaudhary  - một lái xe taxi cho hay anh đã bắt đầu thói quen đem theo một túi vải bên người, đồng thời các nhà bán lẻ thịt ở địa phương cũng chuyển đổi hình thức đóng gói hàng từ túi nhựa sang báo giấy để bảo vệ môi trường.

Được biết gần đây Ấn Độ đã tổ chức kỷ niệm ngày môi trường thế giới 2018 với chủ đề chính là giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon. Kể từ năm 1950, ước tính toàn cầu đã thải khoảng 6,3 tỉ tấn nhựa ra môi trường, trong đó phần lớn các phế thải đều tiêu tốn thời gian phân hủy ít nhất là 450 năm. Do đó, việc Mumbai nói riêng và Ấn Độ nói chung cấm sử dụng nhựa được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao là một trong số những nỗ lực nhằm góp phần bảo vệ môi trường.

Đan Lê (Lược dịch từ The Guardian)