Ô nhiễm nhựa đang là vấn nạn lớn của toàn xã hội. Ảnh: Daily News
Lời cảnh báo được ban bố sau khi các chuyên gia môi trường tiến hành một nghiên cứu đồng thời vào lúc các thủy thủ thực hiện hành trình marathon thách thức biển cả “Volvo Ocean Race” qua 6 lục địa và cập bến 12 cảng biển. Kết quả nghiên cứu cho thấy nhựa đã và đang xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới.
Những mẫu nước biển được thu thập trong suốt chặng đường kéo dài 45.000 dặm vẫn đang được phân tích, song hầu hết đều có dấu vết của hạt nhựa, bao gồm cả ở những vùng biển xa xôi nhất như Nam Đại Dương.
Trước vấn nạn này, Tiến sĩ Luiza Mirpuri – cố vấn y tế của quỹ Mirpuri (Bồ Đào Nha) cho biết: “Đây sẽ là một thảm họa. Không chỉ là bây giờ mà đến thế hệ thứ ba, mọi chuyện sẽ rất tồi tệ khi động vật sẽ ăn phải nhiều nhựa hơn và con người tiếp tục tiêu thụ số lượng thủy, hải sản nói trên ”.
Trong một dữ kiện khác có liên quan, T.S Toste Tanhua – nhà hải dương học thuộc Trung tâm nghiên cứu đại dương GEOMAR Helmholtz khẳng định, con người sẽ không thể lường hết những rủi ro trong tương lai. Song điều dễ dàng nhận thấy là cuộc sống của họ đang bị đe dọa bởi một hợp chất khó phân hủy, nhất là khi số lượng hạt nhựa trong nước ở những khu đông dân cư đang được ghi nhận ở mức rất cao, vào khoảng 307 hạt/m3 nước ở khu vực phía tây Địa Trung Hải và 349 hạt/m3 nước ở khu vực biển gần Hongkong.
Với những kết quả thu được, đây gần như là một dấu hiệu cảnh báo mức độ nguy hiểm của nhựa đang tăng lên chóng mặt. Do đó chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế cần triển khai nhiều hành động khẩn cấp hơn nữa để giải quyết triệt để vấn nạn này. Đồng thời, các thủy thủ tham gia hành trình Volvo Ocean Race cũng hy vọng kết quả nghiên cứu sẽ là một bước ngoặt lớn trong nỗ lực làm sạch đại dương của thế giới.
Hạnh Nhi
(Lược dịch từ Sky News)