Tuy vậy, vì một bộ phận rất lớn dân cư còn sống ở khu vực nông thôn và dựa vào nông nghiệp, nên nông nghiệp có vài trò quan trọng trong việc ổn định kinh tế, xã hội và tạo công ăn việc làm. Làm thế nào để phát triển được một nền nông nghiệp trên nền tảng đông nhưng không mạnh về nguồn nhân lực; yếu về vật lực quả là một bài toán hóc búa!?

Tại cuộc đối thoại do UBND tỉnh tổ chức giữa tháng 6/2018 về phát triển nông nghiệp, khi trả lời câu hỏi: Sản phẩm chủ lực của nông nghiệp Thừa Thiên Huế là gì? Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết đại ý là, chúng ta sẽ phát triển các sản phẩm nông nghiệp dựa trên thế mạnh của 3 vùng như sau: Vùng gò đồi và vùng núi là phát triển trồng cây lấy gỗ, cây công nghiệp dài ngày, dược liệu, chăn nuôi gia súc; vùng đồng bằng là phát triển lúa, cây công nghiệp ngắn ngày, rau các loại và các loại gia cầm; vùng cát và ven biển và đầm phá thì phát triển các loại rau; chăn nuôi lợn và nuôi tôm…

Có lẽ đây là hướng phát triển của ngành nông nghiệp mà Thừa Thiên Huế đã định hình trong nhiều năm qua. Và thực tế đã gặt hái được nhiều thành công. Ví dụ như phát triển rừng kinh tế. Cách đây mấy chục năm, khi thực hiện chủ trương giao đất trồng rừng, kể cả việc hỗ trợ về nguồn lực tài chính (qua một số dự án phát triển rừng) nhưng hầu như chẳng mấy người dân thiết tha. Trong bối cảnh như vậy, cũng có một số người tiên phong nhận đất rừng với diện tích lớn để trồng rừng. Khi nhu cầu gỗ và dăm gỗ tiêu thụ mạnh, thế là những người này trở nên giàu có. Sinh ra những “tỷ phú rừng”, “vua rừng”. Thế là chẳng cần vận động, người dân đổ xô vào trồng rừng kinh tế. Và hiện tại, rừng là một lĩnh vực kinh tế nông nghiệp đóng góp rất lớn cho việc giải quyết công ăn việc làm và thu nhập của người dân. Tương tự như vậy, ở vùng đầm phá ven biển là nuôi tôm; ở vùng cát là chăn nuôi gia súc gia cầm tập trung. Tuy cung cách làm ăn còn độc lập, chưa tạo thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ nên hiệu quả kinh tế lúc trồi lúc trụt. Nhưng nói chung là đã định hình được các vùng sản xuất tương đối rõ hình hài.

Tuy nhiên, nếu định hình một nền nông nghiệp với quá nhiều sản phẩm “chủ lực” như vừa nêu, chúng ta sẽ khó có một nền nông nghiệp phát triển tập trung và phát triển mạnh. Bởi một số lý do sau:

Đã nói sản phẩm chủ lực là nói đến số lượng lớn, có thế mạnh và có sức cạnh tranh cao. Như trên đã nói, nền nông nghiệp của chúng ta dựa trên một nền tảng đông nhưng không mạnh về nguồn nhân lực; yếu về vật lực thì làm thế nào chúng ta “kham nổi” cả hàng chục sản phẩm chủ lực trải rộng trên một diện tích rộng lớn như vậy!? Về mục tiêu xác định sản phẩm chủ lực, theo người viết bài này, chúng ta nên chọn một số lĩnh vực có khả năng phát triển với số lượng sản phẩm lớn, từ đó có chính sách hỗ trợ. Các sản phẩm đó là: trồng lúa; gỗ từ rừng trồng kinh tế; nuôi tôm; nuôi gia súc gia cầm tập trung. Đây là những sản phẩm có khả năng tạo ra chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Những sản phẩm nhỏ lẻ còn lại, tuy là đặc sản nhưng qui mô nhỏ, mang tính “địa phương” là chủ yếu nên cũng xác định phát triển qui mô vừa phải để tiêu thụ thị trường nội địa. Và thực tế những sản phẩm này cũng không thể trở thành sản phẩm hàng hóa qui mô lớn được. Đó là chưa kể đến việc, chúng ta gọi là đặc sản nhưng chưa chắc đã được người khác chấp nhận và cạnh tranh tốt trên thị trường hết sức khốc liệt: chúng ta có thanh trà thì trong Nam ngoài Bắc có các loại bưởi cũng “nức tiếng”; cam Nam Đông chắc gì nổi tiếng hơn cam Xã Đoài và các vùng miền khác. Trà rau má, trà vả chắc gì cạnh tranh tốt bằng Atiso đã có thương hiệu từ lâu…?

Một vấn đề nữa, khi xác định phát triển quá nhiều sản phẩm “chủ lực” chúng ta sẽ không thể nào thoát ra được một nền nông nghiệp sản xuất mạnh mún nhỏ lẻ. Nghĩa là không thể sản xuất hàng hóa mang tính cạnh tranh cao được. Nói gì thì nói, muốn sản xuất hàng hóa phải dựa trên một nguồn nhân lực có tri thức cao; có nguồn lực tài chính dồi dào; có một vùng đất đai rộng lớn; có khoa học kỹ thuật tiên tiến… Duy trì quá nhiều “mũi nhọn” thì không thể nào đạt được điều này. Ngay việc tích tụ ruộng đất đã là một việc khó khăn. Diện tích sản xuất lúa của cả tỉnh là gần 55.000 ha nhưng diện tích làm theo mô hình cánh đồng lớn chỉ có 3.900 ha, chiếm chưa được 10%. Tại buổi tọa đàm nói trên, một thông tin từ ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, đã có doanh nghiệp tìm hiểu, đặt vấn đề với tỉnh đầu tư một dự án nông nghiệp với quy mô khoảng 200 ha nhưng tỉnh chưa thể nào tìm ra được một quỹ đất như thế này.

LÊ NGUYỄN