Ông Nguyễn Thái Hòa - Chánh Thanh tra Sở Du lịch
- Ông có thể nói rõ hơn về nạn đeo bám, “chặt chém” khách du lịch trong thời gian qua?
Thời gian qua du lịch tỉnh nhà đang trên đà phát triển, có nhiều dấu hiệu khởi sắc và được xem điểm đến hấp dẫn trên bản đồ thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng “chặt chém” du khách ở các cơ sở lưu trú, cửa hàng ăn uống, tài xế taxi, xích lô... Không riêng câu chuyện một lái xe xích lô “chém” đôi vợ chồng Việt kiều Mỹ với mức giá 1,5 triệu đồng sau 1 giờ chở dạo quanh TP. Huế vừa xảy ra vào cuối tháng 5 mà còn nhiều vụ việc khác nữa buộc các cơ quan chức năng phải vào cuộc xử lý.
Có thể kể tới việc một doanh nghiệp kinh doanh lưu trú bán tour cho khách và sau đó chuyển cho đơn vị lữ hành tổ chức. Nhưng vì lý do thời gian thực hiện chương trình (6h30 đến 21h) không chắc chắn có thể đảm bảo thời gian trả khách đúng thời gian lên máy bay nên doanh nghiệp lữ hành đã từ chối phục vụ và hướng dẫn khách đến khách sạn nhận tiền, song lại buộc khách phải bồi thường 300.000đ/3 khách khiến khách bức xúc và không hài lòng với cách làm này.
Rồi chuyện một tài xế của một hãng taxi trên địa bàn chở khách nước ngoài từ sân bay Quốc tế Phú Bài lên trung tâm TP. Huế với mức phí đồng hồ báo 250.000 đồng nhưng lấy của khách 2,5 triệu đồng hay các nhà may áo dài “làm giá và thất hẹn kéo dài”... Đây thật sự là vấn đề nhức nhối, làm ảnh hưởng đến uy tín ngành du lịch.
Du khách chọn mua áo dài tại chợ Đông Ba, TP. Huế
- Thanh tra du lịch đã làm gì để hạn chế tình trạng này?
Chúng tôi luôn ý thức và không bao giờ thoái thác trách nhiệm với những vụ việc cụ thể và liên quan. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin một vụ việc, chúng tôi luôn phối hợp với cơ quan chức năng vào cuộc kịp thời, xử lý nghiêm minh, dứt điểm không để kéo dài nhằm đảm bảo quyền lợi cho du khách. Ngoài những vụ việc xử lý hành chính, buộc người vi phạm cam kết không tái phạm, Thanh tra sở còn chuyển hồ sơ một số vụ việc có dấu hiệu hình sự sang cơ quan công an để điều tra, làm rõ hành vi, xử lý theo quy định của pháp luật.
- Còn biện pháp nào khác nữa không, thưa ông?
Ngoài những biện pháp xử lý mạnh và công khai số điện thoại đường dây nóng, chúng tôi thường xuyên tăng cường tuyên truyền, phổ biến, mở các lớp bồi dưỡng, ứng xử và phục vụ trong hoạt động du lịch cho người làm du lịch, buôn bán, cung cấp hàng hóa ở những khu du lịch, danh thắng... Phối hợp với các cơ quan chức năng, huyện thị nơi có du khách ghé thăm thường xuyên kiểm tra việc chấp hành pháp luật.
- Theo ông, đâu là những cái "được và mất" nếu làm tốt công tác kiểm tra xử lý nạn chèo kéo, "chặt chém" du khách và ngược lại?
Du lịch cũng như một món hàng, ngon lành, giá cả phải chăng, uy tín... thì người mua sẽ thích thú, hài lòng. Một khi cảm thấy tin tưởng người mua sẽ quay trở lại với một tâm thế háo hức. Ngược lại, chỉ cần “một con sâu làm rầu nồi canh” sẽ ảnh hưởng đến chung cả tập thể, niềm tin từ đó cũng vơi dần theo. Với môi trường du lịch, không có tình trạng “chặt chém” sẽ dẫn đến nhiều điều tốt khác như không có cò mồi, chèo kéo, chụp giật... Như thế, niềm tin ở du khách được duy trì, hình ảnh địa danh du lịch cứ thế tạo nên tiếng vang, thu hút đông hơn nữa du khách đến với Huế.
Tôi mong rằng, những người đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch, kể cả người dân, buôn bán phục vụ du lịch phải ý thức được vai trò, trách nhiệm nghề nghiệp, công việc mà mình đang đảm nhận. Đừng bao giờ nghĩ du khách là người qua đường mà nâng giá, bán đắt, thay vào đó hãy tôn trọng du khách, để họ cảm nhận được sự thân thiện, hài lòng, và quay trở lại hoặc giới thiệu bè bạn, người thân mình những gì họ từng đi qua, trải nghiệm.
- Chỉ xử phạt hành chính thôi e chưa đủ răn đe với một số cá nhân, doanh nghiệp làm xấu hình ảnh du lịch Huế. Có thể có giải pháp, chế tài nào mạnh hơn để xử lý triệt để vấn nạn nêu trên không, thưa ông?
Ngoài thanh tra để nắm thông tin, xử lý một số vụ việc theo thẩm quyền, chúng tôi cũng đề xuất với lãnh đạo ngành, UBND tỉnh có cơ chế, hệ thống chính sách, pháp luật kèm theo để có chế tài, biện pháp xử lý mạnh hơn đủ sức răn đe với những hành vi đeo bám, “chặt chém” du khách...
- Có ý kiến về việc thành lập lực lượng cảnh sát du lịch để kịp thời xử lý những vụ việc liên quan đến du lịch và đảm bảo cho môi trường du lịch Huế giữ được nét đẹp, truyền thống vốn có, ông nghĩ thế nào về vấn đề này?
Tôi nghĩ rằng đây là một gợi ý hay và khá thú vị. Dù Việt Nam chưa có tiền lệ, nhưng ở một số nước có nền du lịch phát triển mạnh đã có cảnh sát du lịch. Việt Nam và Huế nói riêng, ngành du lịch phát triển, lượng khách đến đông cũng cần có lực lượng chuyên trách để cùng với ngành du lịch giải quyết một số vấn đề nổi cộm nằm ngoài chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của Thanh tra du lịch.
PHAN THÀNH (Thực hiện)