Dự án BCC đang triển khai trên địa bàn tỉnh do GEF tài trợ nhằm giải quyết nhiều vấn đề về môi trường và sinh kế
Tại kỳ họp Đại Hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) lần thứ 6 diễn ra tại TP. Đà Nẵng trong những ngày qua, 1.500 đại biểu là bộ trưởng phụ trách môi trường và các quan chức cấp cao khác từ 183 quốc gia thành viên đã cùng nhau bàn thảo và chia sẻ các ý tưởng, giải pháp, hành động cần thiết hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường (BVMT) toàn cầu.
Kỳ họp này đưa ra những chiến lược tối ưu để giải quyết các vấn đề thực tiễn nhất góp phần vào ứng phó với BĐKH, BVMT, ĐDSH. Trong đó có những sự kiện song song bên lề đi sâu vào vấn đề này, như: quy hoạch không gian cho các khu bảo tồn để ứng phó với BĐKH; phát triển công nghiệp bền vững ở Việt Nam: Ý tưởng khu công nghiệp sinh thái; mối quan hệ của tổ chức xã hội dân sự để bảo vệ tương lai của trái đất; tăng trưởng xanh lam/sức khỏe đại dương; lương thực, khôi phục và sử dụng đất; giới…
Tại sự kiện bên lề “Rác thải nhựa đại dương” do Bộ TN&MT phối hợp với GEF tổ chức, đề xuất sáng kiến “Thành lập đối tác vì khu vực các biển Đông Á không có rác thải nhựa” của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã nhận được nhiều sự ủng hộ của các đại biểu quốc tế. Đề xuất kêu gọi sự chung tay liên quốc gia của Việt Nam thể hiện mong muốn các nước ven biển cùng với sự đồng hành của GEF tiến hành các giải pháp đồng bộ kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, duy trì một đại dương xanh, sạch, không có rác thải nhựa.
Việt Nam cũng nêu quan điểm sẽ đồng hành với thế giới ngừng sản xuất và sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, các sản phẩm từ nhựa không thể tái chế hoặc tái sử dụng; đồng thời ban hành các quy định tài chính như tăng mức thuế đối với túi nhựa để giảm mức sử dụng.
Ngoài hỗ trợ về ý tưởng, kinh nghiệm xây dựng chính sách, sự hỗ trợ về tài chính của GEF thực sự đã đem lại hiệu quả cho nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Trong hơn 25 năm, GEF đã tài trợ hơn 14,5 tỷ USD và huy động hơn 75,4 tỷ USD tài trợ bổ sung cho gần 4.000 dự án (DA) về môi trường. Riêng Việt Nam có 103 DA, trong đó có 57 DA quốc gia, 46 DA khu vực và toàn cầu. Ngoài ra, thông qua chương trình tài trợ cấp nhỏ (GEF SGP) do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) thực hiện, GEF SGP đã triển khai 21.600 DA, tài trợ 582 triệu USD cho các quốc gia trên thế giới thông qua các hoạt động BVMT ở cấp cộng đồng; thử nghiệm các ý tưởng mới, sáng tạo thông qua các DA trình diễn ở cấp cộng đồng.
Sau gần 19 năm triển khai tại Việt Nam, GEF SGP Việt Nam đã tài trợ cho 150 DA liên quan các lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, BĐKH, năng lượng tái tạo, thoái hóa đất và hoang mạc hóa, quản lý rừng bền vững..., triển khai tại 110 xã của 42 tỉnh, thành trên cả nước. Mặc dù với nguồn lực nhỏ nhưng các DA GEF SGP đã phát huy hiệu quả và có sức lan toả rộng.
Cùng với nhiều DA đã được tài trợ, những sáng kiến, đề xuất và cam kết được đưa ra tại các sự kiện GEF 6 thu hút sự quan tâm, ủng hộ của nhiều tổ chức, chương trình, quốc gia là lợi thế để Việt Nam tiếp tục tìm kiếm cơ hội hợp tác, tiếp nhận hỗ trợ tài chính, công nghệ, cũng như xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến công tác BVMT, thích ứng với BĐKH, bảo tồn ĐDSH.
Bài, ảnh: Hoài Nguyên