Khoanh vùng, phun hóa chất khống chế dịch SXH tại phường Thủy Châu
Cuối tháng 5, anh NVT, 34 tuổi, ở TDP 3, phường Thủy Châu sau khi ngồi uống cà phê sáng trở về nhà, trong người nổi ban đỏ và sốt cao. Người nhà nhanh chóng đưa đến bệnh viện kiểm tra, xét nghiệm phát hiện anh T. mắc SXH dương tính. Sau trường hợp anh T. điều trị ổn định vài hôm, tại địa bàn trên phát hiện thêm 2 trường hợp khác mắc SXH làm người dân trong khu vực nghi ngờ SXH có nguy cơ lan rộng thành dịch. Cán bộ Trạm Y tế phường Thủy Châu tiến hành điều tra lập danh sách những người có liên quan bệnh nhân tại hộ gia đình và xung quanh khu vực để quản lý, theo dõi nếu có biểu hiện mắc bệnh cho nhập viện, không để muộn dẫn đến bệnh nặng, nguy hiểm tính mạng và lây lan cho nhiều người.
Cán bộ y tế phường Thủy Châu còn phối hợp tổ chức đoàn thể địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổng vệ sinh đường thôn ngõ xóm, tiến hành thau vét bọ gậy; đồng thời, khoanh vùng các địa bàn có nguy cơ cao trên toàn phường để khống chế dịch SXH lây lan. Chị Nguyễn Thị X. TDP 5, phường Thủy Châu cho biết: “Diện tích đất vườn nhà rộng, cây cối nhiều, có ao hồ nên ruồi, muỗi dễ sinh sôi. Trước đây do chủ quan, gia đình tôi ít chú ý đến việc phòng, chống dịch SXH. Khi nghe có những trường hợp trên địa bàn mắc SXH, các thành viên trong gia đình nhận thấy sự cần thiết của việc phòng, chống dịch SXH nên chúng tôi làm theo hướng dẫn của cán bộ y tế trong phòng chống dịch bệnh”.
Theo bác sĩ CK II Nguyễn Văn Vỹ, Giám đốc Trung tâm Y tế TX Hương Thủy (Trung tâm), phòng, chống SXH trên địa bàn được trung tâm xây dựng kế hoạch từ đầu năm, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương nhằm kịp thời phát hiện các trường hợp mắc bệnh và xử lý theo quy định của Bộ Y tế trước và trong sau khi có dịch SXH xuất hiện. Tuy nhiên, khi có những trường hợp SXH xảy ra trên địa bàn, trung tâm phối hợp với phường xã tổ chức giám sát dịch tễ tại cộng đồng, nhất là những phường Phú Bài, Thủy Châu, Thủy Phương, Thủy Dương..., nơi tập trung dân cư đông, có nhiều điểm trao đổi mua bán hàng hóa, khách vãng lai qua lại giao lưu đông, nguy cơ cao xuất hiện dịch SXH; đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người dân ý thức phòng, chống dịch, chủ động mở chiến dịch vệ sinh môi trường, thau vét bọ gậy, loại bỏ điều kiện phát triển của ruồi, muỗi...
Trung tâm Y tế tham mưu UBND thị xã Hương Thủy tổ chức các hội nghị, tiếp tục chỉ đạo xây dựng kế hoạch "linh động" giúp các địa phương củng cố nhân sự cơ động, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men hóa chất, sẵn sàng chống dịch; thực hiện chế độ thường trực xử lý dịch, thông tin báo cáo theo quy định. "Nếu các phường, xã xảy ra SXH cán bộ y tế phối hợp lưu dung bệnh điều trị sớm, chủ động khoanh vùng, khống chế không để dịch lây lan diện rộng" - bác sĩ Nguyễn Văn Vỹ nói.
PGS.TS. Nguyễn Đình Sơn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, sau khi phát hiện các trường hợp mắc SXH tại phường Thủy Châu, ngành y tế tỉnh, thị xã Hương Thủy phối hợp với chính quyền địa phương triển khai nhiều biện pháp phòng, chống, ngăn chặn sinh sôi của bọ gậy. Hiện, chỉ số bọ gậy ở các phường có nguy cơ cao ở thị xã Hương Thủy ở ngưỡng 5. Đây là chỉ số an toàn. Tuy nhiên với tình hình thời tiết phức tạp, nguy cơ dịch SXH có thể xuất hiện. "Không riêng ngành y tế, cán bộ, người dân địa phương cần chung tay phòng, chống SXH; hạn chế mọi điều kiện phát sinh của bọ gậy, muỗi trong gia đình, khu vực cộng đồng dân cư. Không có bọ gậy, sẽ không có SXH", PGS.TS. Nguyễn Đình Sơn nói.
Bài ảnh: Minh Văn