Các cháu ở Trường mầm non Quảng Thọ được hướng dẫn cách phân loại rác hữu cơ và vô cơ

Không bãi rác

Rác thải sinh hoạt được xe đẩy tay thu gom cuốn chiếu để xe chuyên dụng vận chuyển về bãi xử lý tập trung là quy trình thu gom, xử lý rác thải của xã Quảng Thọ với mô hình “rác không tiếp đất” được duy trì khá hiệu quả 4 năm nay.

Anh Trương Văn Quốc, cán bộ địa chính xã Quảng Thọ cho rằng, mô hình “rác không tiếp đất” đem lại rất nhiều ưu điểm, đó là không phát sinh bãi rác tự phát, không hình thành bãi tạm trung chuyển nên  không có tình trạng rác vương vãi, lưu cữu và không có rác vãng lai.

Rác được thu gom từ khâu ban đầu (không để hình thành bãi rác dù nhỏ hay lớn, không để rác tồn đọng trên đất) nên đường sá, khu dân cư, chợ... ở Quảng Thọ luôn sạch rác. Toàn xã có 15 nhân viên thu gom chia thành 7 tổ phụ trách trên địa bàn 8 thôn theo định kỳ thu gom 2 lần/tuần (thứ 2, thứ 6) từ khoảng 5 đến 8 giờ sáng. Với hình thức này, rác thải của mỗi hộ gia đình được cho vào xô hoặc túi gọn gàng để trước cổng và được công nhân thu gom rác thu lên xe đẩy. Sau khi thu gom từ nhà dân ra điểm chờ, thời gian rác nằm trên xe chỉ 2- 3 tiếng đồng hồ, nên không phát sinh mùi hôi, nước rỉ rác.

Theo thống kê của xã, hiện có 99,9% hộ dân hưởng ứng và tham gia đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt. Mọi người đều có ý thức không vứt rác bừa bãi, đem rác ra xe gom đúng giờ để luôn sạch nhà, sạch đường làng, ngõ xóm.

Giảm 15% lượng rác xử lý

Bình quân lượng rác phát sinh ở xã Quảng Thọ từ 600- 650 tấn/năm. Từ năm 2014-2016, lượng rác có tăng khoảng 10-15%/năm. Nhưng sang năm 2017 đến nay, lượng rác giảm từ 10- 20%/năm. Theo anh Trương Văn Quốc, nguyên nhân giảm là nhờ đẩy mạnh hoạt động thu gom theo hình thức “rác không tiếp đất” và thí điểm phân loại rác tại 3 thôn với 500 hộ dân tham gia.

Việc phân loại rác được thực hiện song song 2 mô hình. Mô hình thứ nhất do Jica tài trợ triển khai tại thôn Tân Xuân Lai (270 hộ), Trường mầm non Quảng Thọ và chợ trung tâm xã Quảng Thọ. Sau phân loại, rác hữu cơ được thu gom tập trung tại một thùng ủ phân để tạo phân hữu cơ bón cho cây trồng, phân vô cơ được xe thu gom của huyện vận chuyển về bãi xử lý tập trung.

Mô hình thứ hai do xã phát động ở 2 thôn Lương Cổ và La Vân Thượng (230 hộ) cũng bằng hình thức phân loại rác, nhưng mỗi hộ gia đình tự đào một hố để bỏ rác hữu cơ rồi tự xử lý bằng cách đốt hoặc ủ bón cho cây trồng.

Chợ Quảng Thọ và Phước Yên từng là điểm chợ khá nhếch nhác, nhưng thời gian gần đây, nhờ các tiểu thương tham gia phân loại rác và được nhân viên quản lý chợ mang rác hữu cơ đến thùng ủ phân, nên lượng rác vừa giảm, vừa hạn chế được mùi hôi, ruồi nhặng phát sinh.

Đối với Trường mầm non Quảng Thọ, từ khi tham gia thực hiện phân loại chất thải hữu cơ, các giáo viên trực tiếp đứng lớp hướng dẫn các cháu cách phân loại và bỏ rác vào từng loại thùng riêng biệt để tạo thói quen và giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho các cháu. 

Theo đánh giá của ông Lê Vinh Qúy, Phó Trưởng phòng Tài nguyên&Môi trường Quảng Điền, so với các địa phương khác trên địa bàn huyện, Quảng Thọ là một trong những xã thực hiện thành công nhất hoạt động thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt. Trong khi lượng rác cần vận chuyển xử lý ở các nơi đều tăng lên từng năm thì số lượng này ở Quảng Thọ lại không tăng và có lúc giảm. Điều đáng ghi nhận hơn cả là địa phương không để phát sinh bãi rác lộ thiên hay những điểm đen về rác thải như nhiều nơi khác.

Cơ cấu sản xuất cây hoa màu vẫn là chủ lực của Quảng Thọ, đây cũng là hình thức sản xuất ít gây hại cho môi trường, dễ duy trì và tận dụng phân vi sinh làm từ rác hữu cơ sau phân loại.

Bài, ảnh: Hoài Thương