Bà Nguyễn Thị Thu Trang trên diễn đàn chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp

Việc phát triển một hồ sơ dự án như việc chọn những “gia vị” tinh túy nhất đưa vào “thực đơn”, tạo ra món ăn ngon, hấp dẫn để thuyết phục nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền mua.

Một bản kế hoạch khởi nghiệp có rất nhiều câu hỏi cần giải quyết, như: ý tưởng, giải pháp thực hiện? Khi triển khai thì nguồn lực về con người và nguồn lực vật chất cần thiết như thế nào? Những gì là cần thiết cho sản phẩm? Giá cả sản phẩm như thế nào? Phạm vi thị trường ra sao? Đối tượng mà sản phẩm hướng đến là ai? Thị trường có sẵn sàng với sản phẩm này không? Trên thị trường đã có sản phẩm nào tương tự? Điểm khác biệt giữa sản phẩm của bạn và sản phẩm tương tự như thế nào?… Rất nhiều người chưa có kinh nghiệm đã mắc kẹt trong mớ bòng bong của những vấn đề đó trước khi họ khởi nghiệp.

“Viết hồ sơ được coi là phần việc quan trọng vì nó giúp các bạn biết được ý tưởng của mình có khả thi như thế nào. Nếu hồ sơ được thể hiện tốt, ý tưởng khả thi thì cơ hội được đi tiếp vào vòng trong hay không là rất lớn. Càng đi sâu, tác giả càng có nhiều cơ hội gặp gỡ những người có cùng niềm đam mê, nhất là những nhà đầu tư. Đó là cơ hội quan trọng để thu hút sự quan tâm của họ, thuyết phục họ đầu tư phát triển ý tưởng”, bà Nguyễn Thị Thu Trang gợi ý.

Trong phần mô tả ý tưởng khởi nghiệp, điều quan trọng là chứng minh được tác giả hiểu và nắm rõ vấn đề. Đồng thời, có một kế hoạch rõ ràng để giải quyết nó và nhắm đến đối tượng nào. Theo đó, hồ sơ phải thể hiện được 4 điểm quan trọng, gồm: Vấn đề thị trường hiện tại như thế nào? Ý tưởng của tác giả góp phần giải quyết vấn đề thị trường ấy ra sao? Giải pháp thực hiện nào khả thi? Tính năng, lợi ích hay điểm khác biệt của sản phẩm với những sản phẩm tương tự đã có trên thị trường. Làm rõ vấn đề về thị trường, tác giả mô tả càng rõ chân dung khách hàng muốn hướng tới càng tốt. Ngoài việc xác định khách hàng là ai, chân dung ấy còn cần thiết thể hiện được thói quen, sở thích và phạm vi phân bố. Chắc chắn, những mô tả này được minh họa cùng với những thông tin về số liệu thì hồ sơ càng có sức thuyết phục.

Một nội dung cũng rất quan trọng cần được thể hiện trong hồ sơ là giải pháp thương mại hóa sản phẩm. Bà Thu Trang nhấn mạnh: “Nói bình dân là cách bán sản phẩm ấy như thế nào? Cách thức tiếp cận, hệ thống phân phối, nguồn lực phân phối và doanh thu đạt được cụ thể như thế nào? Nguồn lực để thực hiện vấn đề này cũng cần được phân tích cụ thể. Cần bao nhiêu người hỗ trợ, cơ sở vật chất và thậm chí cả những giải pháp ứng dụng công nghệ cũng phải được bàn đến”.

Bà Trang cũng cho biết, nhiều khi khách hàng mua một sản phẩm không phải vì giá trị thực tế của bản thân nó, mà vì những câu chuyện đi cùng. Những câu chuyện ấy khơi gợi được một cảm xúc tiềm ẩn nào đó trong người mua và họ bị hấp dẫn. Khi mô tả về sản phẩm và lợi ích của nó trên thị trường, tác giả cũng cần “gia công” về vấn đề này. Điều đó tăng thêm sự nổi bật khác biệt của sản phẩm so với những sản phẩm tương tự đã có. Thêm một vấn đề cần lưu ý trong hồ sơ, đó là những nội dung về nguồn lực vốn, đối tác, cơ sở vật chất, phân khúc khách hàng, cách tiếp cận thị trường… càng được thể hiện rõ, thì sau này càng thuận lợi khi triển khai ý tưởng.

Chia sẻ kinh nghiệm với đối tượng là các bạn sinh viên, bà Thu Trang gợi ý, đối với những tác giả ý tưởng còn ngồi trên ghế nhà trường, thật khó để có thể hình dung về một kế hoạch 3 năm, 5 năm hay 10 năm tới. Cách tốt nhất là các bạn nên tập trung mọi kế hoạch trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến một năm. Trong khoảng thời gian này, quan trọng là phải xác định được những công việc ưu tiên cần thực hiện để phát triển sản phẩm, như: tìm đối tác, định hình vùng nguyên liệu, tìm người có kinh nghiệm đồng hành…

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN