Trong những năm qua, tình trạng bạo lực gia đình ở nước ta vẫn diễn ra ở nhiều nơi, số vụ bạo hành gây hậu quả nghiêm trọng có chiều hướng gia tăng. Tình trạng bạo lực gia đình, bạo lực chống lại phụ nữ vi phạm đến quyền con người, danh dự, nhân phẩm và tính mạng của mỗi cá nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, làm xói mòn đạo đức, mất tính dân chủ xã hội, làm ảnh hưởng xấu đến thế hệ tương lai và sự bền vững của gia đình. Các hành vi bạo lực gia đình ngày càng bộc lộ trắng trợn, người có hành vi bạo lực không cần che giấu.

Về phía nạn nhân, nhiều người còn thiếu kiến thức pháp luật, hoặc cam chịu, xem bạo lực gia đình là vấn đề riêng của mỗi gia đình, “xấu chàng hổ ai”... Vì vậy, rất nhiều vụ bạo hành bị giấu kín trong thời gian dài, trước khi vụ việc được công khai thông tin, tìm sự hỗ trợ, can thiệp bảo vệ của các tổ chức đoàn thể và pháp luật. Bản thân tôi, làm công tác giải quyết đơn thư bạn đọc ở một cơ quan báo chí, hiếm hoi lắm mới nhận được đơn thư liên quan đến bạo lực gia đình. Có trường hợp, khi anh em phóng viên đang hăm hở vào cuộc, không hiểu người bị hại có chịu áp lực gì không lại xin rút đơn.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Luật Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (2008-2013), công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn Thừa Thiên Huế đạt được nhiều kết quả nổi bật. Bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trên địa bàn toàn tỉnh có 40 mô hình phòng chống bạo lực gia đình, chiếm tỉ lệ 26,3% xã, phường, thị trấn; 288 CLB gia đình phát triển bền vững. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã thành lập được 287 địa chỉ tin cậy, 01 Trung tâm hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình; 95 CLB phòng chống bạo lực gia đình, thu hút trên 3.000 cặp vợ chồng tham dự. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã xây dựng được 580 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng đang hoạt động và đã hỗ trợ trên 250 nạn nhân bạo lực gia đình từ năm 2010 đến năm 2013. Nhiều trường hợp vi phạm Luật Phòng chống bạo lực gia đình được xử lý nghiêm, với nhiều hình thức, mức độ, từ xử lý hình sự, phạt hành chính đến việc sử dụng các biện pháp cấm tiếp xúc; góp ý phê bình cộng đồng. Tuy nhiên, công cuộc phòng, chống bạo lực gia đình vẫn còn nhiều cản trở vì những rào cản tâm lý từ phía nạn nhân, sự thiếu quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể...

Gia đình là tế bào xã hội. Mỗi gia đình cần phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của gia đình Việt Nam về lòng thuỷ chung, hiếu nghĩa, kính trên, nhường dưới để tiếp tục xây dựng gia đình hạnh phúc, thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện các chính sách, thiết lập và thực thi những quy định của pháp luật để nâng cao vị thế của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và đảm bảo quyền bình đẳng của phụ nữ so với nam giới. Với các cấp chính quyền, đoàn thể, phải thực sự là điểm tựa cho cuộc đấu tranh chống bạo lực gia đình, thực hiện bình đẳng giới.

Hoàng Giang