Tỷ lệ chi phí cho giường bệnh sẽ chiếm vẫn khá lớn. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN.

Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 15/2018/TT-BYT thay thế Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC của liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính quy định giá dịch vụ thống nhất giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Tuy nhiên, theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, quy định chi phí tiền giường điều trị đang bất hợp lý.

Thời gian qua, tình trạng kê thêm giường bệnh nội trú diễn ra tại hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh (KCB), nhiều cơ sở y tế không đảm bảo được các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực y tế vẫn kê thêm quá nhiều giường bệnh để tăng cường đưa bệnh nhân vào điều trị nội trú, không đảm chất lượng điều trị người bệnh.

Việc này đã làm gia tăng nhanh chi phí giường bệnh (năm 2017 chi gần 18.000 tỷ đồng, tăng rất cao so với năm 2016 là 8.774 tỷ đồng). Tại nhiều cơ sở KCB, chi phí tiền giường chiếm đến 40-50% tổng chi phí điều trị. Sự mất cân đối trong thanh toán chi phí ngày giường đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh; đồng thời đã xảy ra tình trạng lạm dụng quỹ BHYT thông qua việc kê thêm nhiều giường bệnh để đưa nhiều bệnh nhân vào điều trị nội trú khi chưa cần thiết.

Vì vậy, theo BHXH Việt Nam, để khắc phục tình trạng này cần phải xác định mức giá theo định mức nhân lực thực tế. Tuy nhiên, tại Thông tư số 15 vẫn đưa ra một phương thức tính toán không phù hợp. Đó là căn cứ theo giường điều trị thực kê của cơ sở năm 2015, mỗi năm cho phép tăng hợp lý là 10%. Trường hợp nếu vượt quá 30% số giường bệnh thực kê (sau khi tăng 10% hằng năm) mới tính là vượt định mức và tỷ lệ thanh toán chỉ giảm từ 3-5% so với mức giá quy định.

Quy định này đã không giải quyết căn cơ được tình trạng gia tăng chi phí điều trị nội trú bất hợp lý do không có các ràng buộc về nhân lực và chất lượng giường bệnh và tỷ lệ giảm giá khi vượt định mức giường bệnh không lớn.

Theo TTXVN