“Không thể để tình trạng không làm cũng không sao hoặc làm không tốt cũng không sao. Chúng ta không thể dung túng cho sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm, không cần nỗ lực của cán bộ. Cần cơ chế đánh giá cán bộ tốt hơn, công bằng hơn”là quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 diễn ra ngày 2/7.
Cán bộ và công tác cán bộ có vị trí, vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng. Để làm tốt công tác cán bộ thì việc đánh giá cán bộ là khâu trọng yếu nhất trong công tác cán bộ. Nhưng thực tế hiện nay, đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất. Biểu hiện rõ nhất là việc kiểm điểm, đánh giá vẫn còn biểu hiện hình thức, chưa thực chất; còn nể nang, né tránh, ngại va chạm, dĩ hòa vi quý; ít góp ý về khuyết điểm khi phê bình người đứng đầu… Theo Báo cáo kết quả điều tra dư luận xã hội (Báo cáo số 07, ngày 1/8/2017) của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy: 58% cán bộ chủ chốt từ cấp huyện và tương đương trở lên cho rằng việc đánh giá cán bộ còn nể nang thiếu công bằng, thiếu minh bạch; 41% ý kiến cho rằng nhiều trường hợp làm việc kém hiệu quả nhưng vẫn được lên lương, vẫn được bình bầu các danh hiệu thi đua.
Nguyên nhân có nhiều, nhưng một trong những hạn chế là việc thiếu cụ thể các tiêu chí đánh giá nên khi đánh giá cũng chung chung. Ngay ở cơ quan tôi, trước đây việc xếp loại thi đua hàng tháng thì hầu hết đều xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ, chỉ một số ít là hoàn thành nhiệm vụ và hầu như không có cán bộ lãnh đạo, quản lý được đánh giá ở mức hoàn thành và không hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng từ khi rà soát lại nhiệm vụ, cụ thể hóa chỉ tiêu thi đua của từng vị trí công việc thì thấy rõ ai làm tốt, ai chưa làm tốt qua sản phẩm cụ thể. Cán bộ quản lý lãnh đạo cũng vậy, ai điều hành tốt, ai chưa tốt đều được đánh giá qua công việc. Nhờ vậy việc đánh giá, xếp loại hàng tháng đơn giản, mọi người đều “tâm phục, khẩu phục”.
Theo Nghị quyết 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ bảy, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, việc đổi mới công tác đánh giá cán bộ là một trong chín nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ. Theo đó, công tác đánh giá cán bộ theo hướng: Xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và có so sánh với chức danh tương đương; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Để làm tốt nhiệm vụ trên, tất cả hệ thống chính trị cùng chuyển động. Bên cạnh việc chỉ đạo quyết liệt của cấp trên, quan trọng nhất vẫn việc cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Bởi, chính cơ sở là nơi nắm rõ yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị mình để cụ thể công việc, yêu cầu đối với từng vị trí, chức danh. Chỉ có cụ thể hóa tiêu chí đánh giá thì mới có thể đánh giá đúng thực chất phẩm chất năng lực của từng người, sẽ chọn được người đủ đức, đủ tài, có nhiệt huyết phục vụ sự nghiệp chung.
Hoàng Minh