Đông vui

Tiếng nói cười nhộn nhịp của chủ xưởng, nhân công và những người đi ép dầu lạc rộn cả một góc ven chợ.

Anh Sơn hông lạc

Không dễ gì xưởng ép dầu lạc của anh Sơn đông đúc người như vậy. Thời điểm 2017, sau nhiều năm học hỏi nghề ép dầu, từ bộng tại quê nhà đến Quảng Điền, Quảng Nam, anh quyết định thành lập lò ép dầu Vinh Thanh: “Ý tưởng thành lập xưởng đã được ấp ủ từ lâu. Với hệ thống máy của tôi, việc hao hụt dầu không còn là nỗi lo của bà con nông dân trồng lạc”.

Nhìn cơ ngơi đầy đủ của anh, chúng tôi rất ngạc nhiên. So với các lò ép dầu dọc ven biển Phú Vang, Phú Lộc, sự đầu tư của anh Sơn khá “bạo”. Mỗi bộng ép dầu thông thường chỉ có các loại máy, như: 1 máy ép dầu thủ công (thường từ 4 – 6 người), 1 lò hông, củi khô loại to, cháy đượm. Cạnh bộng phải có máy xay lạc. Thế nhưng trong bộng của anh, tổng nhân lực chỉ có 3 người. Anh Sơn vừa là chủ xưởng, vừa là người vận hành máy tách vỏ, máy xay xát lạc. “Hệ thống máy móc trong xưởng của tôi khoảng 200 triệu đồng, bao gồm máy tách vỏ lạc, máy xay xát, và 4 máy ép dầu thủ công. Điều mà xưởng của tôi lợi thế hơn so với nơi khác đó là nhờ sự đầy đủ của hệ thống máy”, anh Sơn tự tin.

Chị Bé (Phú Đa) cho biết: “Bánh dầu ở bộng này là bánh dầu ruột (tức chỉ còn nhân lạc, không có vỏ), làm thức ăn gia súc hay bón cây đều tốt và giàu dinh dưỡng. Thông thường người ép sẽ phơi bánh dầu cho khô để phòng nấm mốc, mối mọt”.

Tiết kiệm tối đa

Thông thường, vào mùa ép dầu lạc, các bộng làm việc liên tục. Nhiều hộ dân phải chờ đợi hoặc lên lịch hẹn nếu muốn ép dầu, nhất là với các hộ trồng nhiều lạc. Đó là chưa kể có nhiều lái buôn thu mua lạc khô cũng ép dầu tại bộng để tiết kiệm chi phí.

Với những bộng ép dầu khác, tiền công ép dầu bao gồm tiền xay xát, hông lạc, ép lạc. Nhờ hệ thống máy đầy đủ, anh Sơn có thể thực hiện các công đoạn trên và giảm thiểu tối đa chi phí phát sinh. Máy tách vỏ lạc sẽ bóc riêng phần hạt và phần vỏ. Hạt được xay nhuyễn, đồ chín, sau đó được đóng gói bỏ vào máy ép. Xưởng của anh Sơn dùng cách “lấy mỡ nó rán nó”, biến nguồn vỏ lạc thành chất đốt để hông lạc hiệu quả. Nhờ đó không tính chi phí chất đốt, có lợi cho cả chủ xưởng và người ép dầu. Nhờ bóc tách vỏ lạc, tỷ lệ tạp chất từ vỏ giảm dẫn đến nguồn dầu ít bị hao hụt và sạch hơn. Vì thế, lò dầu của anh Sơn luôn đông khách không chỉ vì giá cả phải chăng, mà còn ít hao dầu.

Tuy chỉ ép dầu bằng máy thủ công, song anh Sơn cùng các thợ phụ tận dụng được triệt để thời gian. Thông thường khi ép, ban đầu dầu chảy rất nhanh, nhưng sau đó thì chậm dần đến khi khô kiệt. Đó là khoảnh khắc vàng của người thợ ép dầu. Người ta sẽ tận dụng khoảng thời gian ấy để gói lạc đã hông chín cho vào máy ép khác, cứ như thế cho đến khi hết lạc. Nhờ đó, nguồn nhân lực được giảm thiểu đáng kể. Cách tính tiền công ép dầu của anh Sơn dựa vào khối lượng bánh dầu. Công ép 1kg bánh dầu là 7.000 đồng. Với năng suất tối đa 1 tấn/ngày, xưởng ép dầu lạc của anh Sơn đã phần nào giúp bà con an tâm hơn khi chế biến loại hạt này.      

Bài, ảnh: Mai Huế