Hôm nay cũng thế, quán cà phê đông người, chị khúm núm bước vào. Thằng cu Bặm chắc cũng không muốn người ta biết mẹ nó là người tật nguyền nên tỏ ra ngạc nhiên trước sự xuất hiện của chị. Cũng may, chủ quán đón chị ngay khi vừa nhìn thấy.

- Cháu tuy còn nhiều khuyết điểm, nhưng đang tiến bộ, cơ bản là biết nghe lời nên chị cứ yên tâm.

- Dạ rứa thì tui mừng quá, hôm nay cháu đi làm đã được một tháng, nhờ cô lấy tiền ni đưa cho cháu rồi cứ nói là tiền lương để cháu tiếp tục đi làm.

Ngang đây thì chủ quán tỏ rõ thái độ không hài lòng:

- Không chị. Nguyên tắc ở đây tháng đầu tiên là thử việc, những tháng sau làm việc chưa tốt cũng chưa được nhận lương. Chị cứ để chúng tôi xử sự với cháu công bằng như những người khác.

Thấy nét lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt người mẹ đơn thân, chủ quán an ủi:

- Nguyên tắc là vậy, nhưng chưa có nhân viên nào thử việc quá một tháng. Riêng trường hợp của con chị đặc biệt vì tinh thần cháu có vấn đề do ảnh hưởng thời gian nghiện game. Cháu tiếp thu yêu cầu của khách chậm, lại thường xuyên làm vỡ ly, tách nên có lẽ phải để các nhân viên khác huấn luyện thêm một thời gian nữa.

Không cần chủ quán giải thích người mẹ ấy cũng biết con chị đang thay đổi. Từ ngày ly hôn, chồng cũ của chị tất bật với gia đình mới, thân tật nguyền đi làm thuê cho một nhà hàng, để giữ công việc chị phải thật siêng năng. Hàng ngày, có mặt ở nơi làm từ 8 giờ sáng đến 10 giờ đêm mới về. Dù thức dậy từ sớm, thời gian ở nhà cũng chỉ đủ mua thức ăn sáng, nấu sẵn nồi cơm và ít thức ăn cho con. Từ nhỏ, Bặm đã phải tự chăm sóc bản thân. Chuyện Bặm bỏ học sớm là hệ quả tất yếu của hoàn cảnh gia đình em. Nhưng, cùng với sự thiếu thốn tình cảm cơ bản của một gia đình bình thường, em nhận được những tình thương không đúng cách. Mỗi ngày, trước khi đi làm, ngoài việc chuẩn bị thức ăn cho con, mẹ Bặm còn cho em thêm 50 nghìn đồng; các cô, chú ruột mỗi khi gặp cháu cũng chỉ biết thể hiện tình thương bằng 50 hay 100 nghìn đồng…

Có tiền, thừa thời gian, Bặm vùi mình trong tiệm internet, lao tâm với những trò chơi một cách say sưa. Cho đến ngày, nhiều người nhận ra nét mặt em hiện rõ sự vô hồn vì nghiện game. Nhiều lần, em đi cả tuần mới về nhà, nguy cơ trở thành đứa trẻ hư đã ở gang tấc. Mẹ em đành kêu cứu với hàng xóm.

Ban đầu, Bặm không muốn đi làm, dù mẹ em phải nhờ nhiều người nói rõ hoàn cảnh chủ quán cà phê mới nhận. Những ngày đầu, Bặm thấy việc gì cũng khó, bưng bê hay rửa ly tách thì từ trước đến nay em chẳng phải đụng tay đụng chân, cả ngày chỉ mong đến giờ nghỉ để ra tiệm chơi game. Nhưng rồi, được sự động viên của các anh chị nhân viên khác trong quán, cùng với sự cổ vũ của những khách hàng thân thiết, Bặm làm quen với công việc và không những không còn cảm thấy khó khăn mà dần dần em nhận ra niềm vui không chỉ có trong các trò chơi điện tử mà có ngày từ những công việc rất quen thuộc.

Qua tháng thứ 3 đi làm, Bặm được hưởng lương như những nhân viên bình thường khác. Điều mẹ em vui hơn cả không chỉ là con trai mình đã tự nuôi được bản thân mà trên khuôn mặt con thể hiện rõ niềm vui khi nhờ mẹ giữ giúp số tiền ít ỏi đó. Giờ chị mới hiểu, nếu ban đầu, chủ quán làm theo cách của chị có lẽ con chị sẽ không hiểu hết giá trị đồng tiền do chính mình làm ra. Cũng nhờ đó chị nhận ra sự quan tâm đúng cách là rất cần thiết cho con trẻ.

ĐĂNG VIỆT