Mô hình nông nghiệp công nghệ cao cần được hỗ trợ

Nhiều rào cản

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp góp phần tăng năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng nhưng để nhân rộng các mô hình này thì còn nhiều khó khăn về vốn, quỹ đất, nhân lực, thị trường...

Tại chương trình Cà phê doanh nhân với chủ đề “Định hướng phát triển kinh tế tỉnh Thừa Thiên Huế” do Hội Doanh nhân trẻ tổ chức, ông Đặng Trần Quốc, Công ty Cây xanh Hương Lộc cho biết, công ty đang hướng đến xây dựng các mô hình NNCNC, nhưng để thực hiện kế hoạch này có rất nhiều rào cản.

Ông Quốc chia sẻ: Muốn đầu tư NNCNC cần một diện tích đất tập trung khá lớn, trong khi quy mô sản xuất của người dân chủ yếu theo hình thức tự phát, nhỏ lẻ. Doanh nghiệp (DN) không có đủ mặt bằng để đầu tư và muốn có được quỹ đất để làm phải đền bù giải phóng mặt bằng với quy trình, thủ tục phức tạp.

Có đơn vị dù đã đầu tư phát triển NNCNC nhưng không tiếp cận được vốn hỗ trợ. Câu chuyện của Trương Như Hải, chủ cơ cở Hải Farm là một ví dụ. Đầu năm 2017, anh Hải mạnh dạn vay vốn và xin phép UBND phường Thủy Biều xây dựng khu nhà kính công nghệ Nhật Bản cùng hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel tại phường Thủy Biều, TP. Huế. Sau khi xây dựng xong, anh hoàn thiện hồ sơ gửi UBND tỉnh xin được hỗ trợ theo Quyết định 32. Tuy nhiên, dự án (DA) này không được hỗ trợ lý do là khu trang trại nằm trên vùng đất được quy hoạch làm đường giao thông 36m.

Nhà máy gà 3F khó tiếp cận vốn vay

Ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Công ty TNHHMTV Chăn nuôi Quốc Trung chung tâm sự khi Nhà máy sản xuất gà sạch 3F Việt được đầu tư và đưa vào hoạt động từ năm 2017, với dây chuyền gồm 12 máy ấp, 4 máy nở với công suất hơn 300.000 con gà giống các loại/tháng. Thời gian đầu khi tiến hành xây dựng DA, DN xin vay vốn khắp nơi nhưng không có đơn vị nào hỗ trợ. Đến nay, khi tiến hành đầu tư giai đoạn 2, đơn vị này chủ yếu “tự bơi”, chưa kể quá trình xin đất lập nhà máy cũng gặp không ít khó khăn.

Cần hiểu cơ chế

Theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mục tiêu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp toàn tỉnh đạt trên 3,5%/năm; thu nhập tăng 1,6 - 1,9 lần so với năm 2016. Để đạt được những mục tiêu trên, tổ chức lại sản xuất theo phương châm DN hóa các sản phẩm nông nghiệp gắn với liên kết hóa, hình thành vùng sản xuất NNCNC là một trong những giải pháp quan trọng.

Nhằm khuyến khích, tạo điều kiện phát triển NNCNC, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 32 về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp. Theo đó, DA đầu tư cơ sở sản xuất NNCNC có quy mô từ 500m2 trở lên (đối với trồng trọt);­ 2.000m2 (đối với nuôi trồng thủy sản) được hỗ trợ 50% chi phí nhưng không quá 500 triệu đồng/cơ sở để đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà bạt; lắp đặt các thiết bị chuyên dùng như hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương, sục khí, xử lý nước cấp, nước thải...

Trên địa bàn có 18 cơ sở sản xuất NNCNC với diện tích gần 14.000m2. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, địa phương… tạo điều kiện về thủ tục, địa điểm để thực hiện dự án NNCNC cho Tập đoàn Vingroup; các dự án sản xuất nông nghiệp của Tập đoàn FLC và các dự án khác.

Tuy nhiên, các DA đầu tư này phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương nơi DA đầu tư; như DA của Hải Farm không nhận được hỗ trợ là do quá trình triển khai thiếu tìm hiểu về quy hoạch vùng sản xuất dẫn đến không phù hợp quy hoạch.

Các DN khởi nghiệp lĩnh vực NNCNC thuộc loại hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ có những chính sách hỗ trợ riêng. Theo Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Thắng, DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ lãi suất đối với khoản vay thực hiện thương mại hóa các sản phẩm, nhưng tối đa không quá 50 triệu đồng/DN. Mức lãi suất hỗ trợ được tính bằng chênh lệch giữa mức lãi suất vay tại các ngân hàng thương mại với lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ bảo lãnh tín dụng. Ngoài ra, tỉnh sẽ hỗ trợ một phần chi phí thuê văn phòng làm việc, phí tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện khởi nghiệp; tư vấn, hỗ trợ miễn phí về các thủ tục pháp lý, các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ…

Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thông tin, ngoài các chính sách hỗ trợ về vốn, cơ chế… thời gian tới, sở phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường xây dựng các mô hình sản xuất có liên kết theo chuỗi; triển khai ứng dụng tem điện tử trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa nông, lâm, thủy sản. Đồng thời, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, chế biến nông sản; hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện ghi chép theo dõi sản xuất nhằm đảm bảo truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Riêng vấn đề thuê đất để phù hợp với định hướng phát triển sản xuất NNCNC, các cá nhân, đơn vị cần lập DA và nêu đầy đủ các thông tin liên quan gửi UBND tỉnh. Từ đó, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan hướng dẫn các thủ tục và tìm địa điểm phù hợp với từng loại hình, mô hình phát triển.

Bài, ảnh: Hoàng Loan