Lân mẫu xuất lân nhi

“Gần” khách hơn

“Âm sắc cung đình” là chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại Duyệt Thị Đường. Hành trình di chuyển của du khách sẽ được những chú lính ngự sau phiên đổi gác đón khách tại Ngọ Môn đi qua cầu Trung Đạo và đến nhà hát Duyệt Thị Đường. Mỗi đêm, nhà hát có hai suất diễn phục vụ, bắt đầu vào lúc 19h15 và 20h45, thời lượng khoảng 50 phút.

Suất diễn đầu tiên trong đêm ra mắt “Âm sắc cung đình”, lượng khách không lấp đầy hết số ghế được chuẩn bị, khoảng 80 ghế. Nhưng dần, những khoảng trống đó phần nào được khỏa lấp bởi những tiết tấu nhạc, những điệu múa, những trích đoạn tuồng và cả những gương mặt diễn viên biểu diễn rất nghiêm túc từ trên sân khấu. Bất kể số ghế có đầy hay không, cứ có khách thì đúng giờ đèn sẽ tắt và nhạc sẽ nổi. 6 tiết mục biểu diễn gồm vũ khúc "Lân mẫu xuất lân nhi", vũ khúc “Tường trình tập khánh”, vũ khúc “Lục cúng hoa đăng”, chầu văn “Cảnh đẹp Huế đô” và hòa tấu Nhã nhạc “Phú lục địch”. 

Cùng cả gia đình thưởng thức suất diễn này, ông Nguyễn Thọ Hào (đến từ Hà Nội) đã có những trải nghiệm rất đáng nhớ trong ngày đầu tiên đến Huế. Do đến Huế vào lúc chiều muộn, không kịp tham quan toàn cảnh Đại Nội nên ông đã “mời” cả nhà trải nghiệm “Âm sắc cung đình”. “Đến Huế nhiều lần trong nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng đây là lần đầu tiên tôi xem trọn vẹn một chương trình nghệ thuật đặc trưng của Cố đô Huế. So với nhiều chương trình nghệ thuật mang đặc trưng dân tộc ở những quốc gia tôi từng đến, “Âm sắc cung đình” có mức giá rất rẻ ”, ông Hào chia sẻ.

Không những vậy, thực tế từ những thành viên khác trong gia đình cùng tham dự chương trình, ông Hào cho rằng, đơn vị tổ chức nên xem xét cách bổ sung thông tin cho người xem. Thật khó để một du khách có thể hiểu và cảm nhận nghệ thuật truyền thống ngay một lần và lần đầu được nghe. Nhưng ít ra, vẫn có thể giúp họ phần nào tiếp cận được nội dung, ý nghĩa và giá trị tinh thần của các tiết mục được biểu diễn thông qua những tờ gấp. “Tôi cũng rất muốn các con tôi nhận được những “món quà” như vậy. Nó sẽ tăng thêm giá trị tinh thần cho chuyến đi”, ông Hào nói thêm.

Quảng bá nhiều hơn

“Âm sắc cung đình” có nhiều yếu tố đáp ứng được yêu cầu của một sản phẩm du lịch đêm cho Huế, như: có thể hoạt động cả trong mùa mưa, nhiều khung giờ để chọn lựa, được biểu diễn trong không gian “có một không hai”, thời lượng vừa phải, chất liệu nghệ thuật “chuẩn Huế”… Tuy nhiên, so với “những đứa con tinh thần khác”, dễ nhận thấy là “Âm sắc cung đình” chưa được đơn vị tổ chức quảng bá một cách rộng rãi. Điều đó tạo cảm giác như đơn vị đang đơn thân độc mã trên con đường xây dựng và khẳng định thương hiệu cho “Âm sắc cung đình”.

Để “Âm sắc cung đình” có thể sáng đèn sân khấu Duyệt Thị Đường đúng kế hoạch (1/7), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phải chuẩn bị chương trình và quảng bá theo những kênh riêng của mình rất lâu trước đó. Nhưng sau đêm diễn đầu tiên, khi chúng tôi liên hệ để có thêm thông tin phản hồi từ du khách, một đơn vị du lịch ở Hà Nội có chi nhánh tại Huế cho biết họ hoàn toàn không biết về “Âm sắc cung đình”, nên chưa thể hỗ trợ thông tin. Thay vì ghi nhận những ý kiến phản hồi, chúng tôi phải cung cấp ngược trở lại những thông tin về chương trình cho đơn vị lữ hành ấy.

Ngành du lịch Thừa Thiên Huế chào đón sự trở lại của hoạt động mở cửa Đại Nội về đêm, dù bước đầu mới chỉ có “Âm sắc cung đình”. Tuy nhiên, trong chia sẻ của ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch vẫn có phần đáng tiếc. "Chương trình đã khởi động từ 1/7. Chúng tôi cũng phối hợp chia sẻ, giới thiệu trên các kênh thông tin của Sở, nhưng đến nay vẫn có nhiều đơn vị lữ hành chưa có thông tin về “Âm sắc cung đình”. Nếu “Âm sắc cung đình” được giới thiệu chính thức như một sự trở lại của Đại Nội mở cửa đón khách về đêm, đồng thời quảng bá rộng rãi đến các đơn vị lữ hành thì chắc chắn hiệu ứng ban đầu sẽ tốt hơn", ông Phúc nói. Với mức vé tham gia “Âm sắc cung đình” 250.000đ/người/suất, ông Phúc cũng chia sẻ ý kiến của một số đơn vị lữ hành, rằng mức vé đó có thể hợp lý nhưng nên tăng theo lộ trình. Hoặc có thể trong thời gian đầu đi vào hoạt động, “Âm sắc cung đình” nên có chương trình ưu đãi đối với các đơn vị lữ hành để giới thiệu thuyết phục hơn về chất lượng của sản phẩm. 

TS. Lê Thị Minh Lý (Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hoá, Hội Di sản Văn hoá Việt Nam), người có nhiều năm đồng hành cùng di sản văn hoá Huế, đã từng chỉ cụ thể một số điểm hạn chế của Thừa Thiên Huế, khi sở hữu "kho báu" di sản văn hóa phi vật thể mà vẫn chưa thể có những sản phẩm du lịch thế mạnh và độc đáo riêng có. Một trong những hạn chế đó là thiếu sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các ngành văn hóa, du lịch, các đơn vị lữ hành với đơn vị quản lý di tích để tăng tính bền vững cho một sản phẩm du lịch có chất liệu từ di sản văn hóa cung đình Huế. Với “Âm sắc cung đình”, thông điệp của TS. Minh Lý vẫn vẹn nguyên giá trị: Hơn hết, cần phải có sự phối hợp và hỗ trợ nhau, tạo nên những sản phẩm văn hoá phong phú, tạo động lực cho ngành du lịch.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN