Trong hồi ký "Nhớ lại một thời" (Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2002), Tố Hữu viết: “Năm 1935, khi tôi học năm thứ hai (Trường Quốc Học Huế), phong trào Mặt trận Bình dân Pháp lên cao, lập được chính phủ mới, tiến bộ. Ở nước ta, Mặt trận Dân chủ do Đảng ta khởi xướng, hoạt động ngày càng sôi nổi. Thành phố Huế cũng bừng lên không khí rất rầm rộ. Cùng nhiều đồng chí ở các nhà tù được trả tự do, các đồng chí Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu ở Côn Đảo về lãnh đạo phong trào. Đồng chí Hải Triều bị án tù ở Sài Gòn, ra Huế được giải phóng, liền mở hiệu sách Hương Giang để tuyên truyền cách mạng.
Bọn học sinh chúng tôi được nghỉ chiều thứ năm và ngày chủ nhật. Cứ có thời gian là tôi đến hiệu sách vùi đầu vào đọc. Nhờ đọc được nhiều sách, lại được những người như các anh Lê Duẩn, Hải Triều, đặc biệt là anh Phan Đăng Lưu và anh Nguyễn Chí Diểu, dần dần tôi giác ngộ chủ nghĩa Cộng sản.
Tháng 3/1937, khi cùng hàng vạn quần chúng đi đón Gô-đa (phái viên của Chính phủ Pháp) để đòi những quyền dân chủ, dân sinh, tôi là Bí thư Đoàn Thanh niên Dân chủ thành phố Huế, là một trong những người lãnh đạo phong trào học sinh ở Trường Quốc học. Vì vậy, tôi bị đuổi ra khỏi nội trú, bị cắt học bổng, và phải tự kiếm sống mà học. Thế là tôi bắt đầu đi làm gia sư ở một xóm gần Đập Đá, gọi là Chợ Cống. Anh Bùi San là người thường xuyên tiếp xúc với tôi, dạy tôi về chính trị và kinh nghiệm hoạt động quần chúng. Đến lúc cảm thấy “không đủ chữ” giải thích cho tôi, anh vui vẻ giới thiệu tôi đến gặp anh Phan Đăng Lưu.
Anh Lưu lúc đó là Ủy viên Trung ương Đảng được phân công hoạt động công khai, làm Chủ bút tờ Báo Dân của Đảng. Sự ra đời của tờ báo cách mạng là sự kiện rất quan trọng vì lần đầu tiên Đảng có một tờ báo công khai ở Huế, nói được tiếng nói của người lao động, phê phán chính quyền thống trị. Sau mấy số đầu, anh Lưu cảm thấy hơi khô nên khó vào lớp trí thức, học sinh. Một hôm anh hỏi tôi: "Cậu biết làm thơ không?". Tôi đáp: "Niêm luật Đường thi, ca dao lục bát, thì tôi nắm được, nhưng không biết làm thơ có hay không".
"Vậy thì tốt rồi- Anh Lưu nói- Báo ta hơi khô. Cậu biết làm thơ hãy làm những bài về những người lao động nghèo khổ. Nghèo khổ không phải là số phận, mà là do đế quốc phong kiến bóc lột, và do sưu thuế nặng nề. Những cảnh ăn mày, đầy tớ, trẻ mồ côi… có rất nhiều điều cần viết để thức tỉnh nhân dân. Cậu cố gắng viết để đăng được mỗi số một bài hoặc vài số một bài, có thể nhờ đó dân thích đọc báo ta hơn. Nhưng phải chú ý, thơ phải chân thật, xúc động lòng người, dễ hiểu, dễ nhớ và đừng dài dòng". Tôi nói: "Nếu viết những cái đó thì tôi viết được”…
Bài thơ đầu tiên của Tố Hữu đăng trên Báo Dân, số 10 ra ngày 6 tháng 9 năm 1938 là bài "Mồ côi". Sau "Mồ côi" là bài "Vú em" (đăng số 11 ra ngày 9/9/1938).
Sau đó, Tố Hữu viết liên tiếp nhiều bài thơ về những cuộc đời khổ cực, bất công quanh ông; về trẻ em nghèo khổ, ăn mày như em nhỏ ôm đàn đi hát dạo, hoặc thân phận người già đi ở, cổ vũ lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc...
Những ngày tháng hoạt động cách mạng sôi nổi ở Huế Tố Hữu viết rất nhiều bài thơ cách mạng, có thể những bài thơ ấy được đăng ở nhiều tờ báo khác của Đảng, như tờ Thế giới ở Hà Nội, báo Mới ở Sài Gòn.
Trên 17 số Báo Dân chúng tôi tìm thấy hai bài thơ "Mồ côi" và "Vú em" của Tố Hữu. Cả hai bài này đều công bố vào tháng 9 năm 1938. Sau này in lại trong các tập thơ khác nhau của những nhà xuất bản khác nhau, Tố Hữu đã sửa lại một số chữ (cũng có thể là biên tập của nhà xuất bản?). Ngày tháng sáng tác hai bài thơ này cũng được sửa lại trước thời điểm đăng trên Báo Dân khá lâu; chẳng hạn bài "Mồ côi" in trong tập "Từ ấy" ghi tháng 10/1937?
Theo chúng tôi, cũng có thể Tố Hữu khởi viết "Mồ côi" từ năm 1937, đến tháng 9/1938 mới công bố lần đầu trên Báo Dân nhờ sự hướng dẫn và yêu cầu của Chủ bút Phan Đăng Lưu? Dù sau này ghi chép về ngày tháng sáng tác có khác nhau, nhưng rõ ràng hai bài thơ đầu đời trong sự nghiệp thi ca cách mạng của Tố Hữu được ông viết ở Huế và cũng đã được công bố lần đầu tiên trên Báo Dân của Xứ ủy Trung Kỳ là hoàn toàn chính xác. Với những vần thơ cách mạng in trên Báo Dân, mà Tố Hữu nói rằng: “Bằng những bài thơ như vậy, tôi trở thành một cây thơ của Báo Dân”.
NGUYỄN XUÂN HẢI
(Chủ tịch Hội nhà báo Hà Tĩnh)