Hết thời “ăn xổi”

Vài mùa trước, Navibank Sài Gòn và Xuân Thành Sài Gòn khuấy động thị trường chuyển nhượng bằng những bản hợp đồng “bom tấn”. Chỉ sau thời gian ngắn, Navibank Sài Gòn vướng nợ nần phải giải thể, còn Xuân Thành Sài Gòn bỏ giải, bị đánh rớt xuống hạng ba.

Có lẽ bài học làm bóng đá với tư duy “ăn xổi”, chủ yếu để đánh bóng thương hiệu của 2 CLB nói trên khiến phần còn lại của V-League mùa giải 2014 trở nên thực tế hơn khi “khiêm tốn” trong việc mua sắm cầu thủ. Hay nói cách khác, các CLB có “máu mặt” nhất của V-League không còn vung tay quá trán, không “bơm” giá trị cầu thủ lên quá cao.

Được ví như “Chelsea của Việt Nam” với tiềm lực tài chính khổng lồ, sau mùa giải đáng thất vọng, Becamex Bình Dương quyết định “thay máu” gần như toàn bộ khi thanh lý hợp đồng với hàng loạt cầu thủ và cả HLV. Bên cạnh những cái tên như Mai Tiến Thành, Nsi, Abbass..., Bình Dương còn đón nhận hàng loạt ngôi sao mới như Trọng Hoàng, Văn Bình, Văn Hoàn (SLNA), Bùi Tấn Trường, Đình Luật, Đặng Văn Robert (XT.SG)... Để có được những chân sút tiếng tăm này, Bình Dương khá rộng tay trong một số điều khoản về lương, thưởng. Tuy nhiên, điều đáng nói, trong hợp đồng chuyển nhượng, những con số 0 đã không còn dài như trước đây.

Ở một góc độ khác, một số “đại gia” như Hà Nội T&T, SHB Đà Nẵng hay Hoàng Anh Gia Lai tỏ ra không mấy “mặn mà” trên thị trường chuyển nhượng mùa này. Hà Nội T&T chỉ mới ký hợp đồng với Hector (SLNA) và nhập tịch cho vua phá lưới Samson với cái tên Việt Nam là Hoàng Vũ Sơn, còn SHB Đà Nẵng tậu về 2 chân sút Vũ Phong, Việt Cường. Và cả 2 cùng có điểm chung với Bình Dương khi không hề xuất hiện bản hợp đồng nào có mức giá gây sốc.

“Cửa dưới” chịu chơi

Khác với vẻ trầm lắng của những đội bóng kể trên, một số “cửa dưới” như Quảng Nam, Hùng Vương An Giang hay Than Quảng Ninh lại tỏ ra khá sôi động khi được góp mặt tại sân chơi cao nhất của làng bóng đá Việt Nam thông qua một loạt hợp đồng chất lượng vừa được ký kết.

Từ khi được thăng hạng, Quảng Nam đã đưa về Lê Phước Tứ, Phùng Công Minh, Phạm Hải Anh, Lê Trung Sơn, Henry và Văn Cường. Dựa trên những cái tên khá chất lượng này, giới chuyên môn đánh giá đoàn quân của HLV Vũ Quang Bảo sẽ không chịu cam phận làm nơi “lấy điểm”. Nhiều khả năng đội bóng xứ Quảng sẽ trở thành “ngựa ô” ngay khi chân ướt chân ráo lên hạng.

Tương tự, Hùng Vương An Giang cũng vung tiền để chiêu mộ thủ môn Santos (ngoại nhập tịch), tiền vệ Duy An cùng bộ đôi tấn công Felix - Phan Thanh Bình. Từ việc chiêu mộ những vị trí ở hàng công lẫn thủ, có thể thấy đội bóng miền Tây cũng đang nhắm đến một mục tiêu cao hơn thay vì lận đận ở nửa cuối BXH – nơi mà hầu hết các tân binh thường “đặt chỗ” trong mùa giải đầu tiên góp mặt.

Điểm qua một số đội bóng để thấy, V-League 2014 đang có chiều hướng đi ngược những năm trước đây khi mà các đại gia đã không còn vung vãi tiền bạc cho những bản hợp đồng gây sốc, thay vào đó, họ hướng đến tính căn cơ, dài hơi thông qua công tác đào tạo và sử dụng lực lượng kế cận. Để xóa bỏ khoảng cách giữa V-League và hạng Nhất, những tân binh cũng đang tích cực chiêu mộ cầu thủ chất lượng nhằm tránh bất lợi trong chặng đường V-League đầy khốc liệt. Và với những động thái kể trên, hứa hẹn sẽ có nhiều nét tích cực cả về chuyên môn lẫn tính ganh đua sòng phẳng giữa các đội bóng tại V-League 2014.

Hàn Đăng