Nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa trung ương Nguyễn Khoa Điềm trao đổi ý kiến tại hội thảo

Tham dự hội thảo có các ông: Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa trung ương; Nguyễn Thái Sơn, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh; đại diện lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, các nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh, đại diện con cháu các nhà báo tiền bối trực tiếp tham gia lãnh đạo, điều hành báo Dân trong những ngày đầu thành lập.

Theo tư liệu tại hội thảo, Báo Dân đặt trụ sở tại 11 Doundart De Lagrée, TP. Huế, nay là trụ sở Báo Thừa Thiên Huế (61 Trần Thúc Nhẫn), là tờ tuần báo khổ lớn, xuất bản được 17 số (mỗi số phát hành 5.000 bản. ngày 7/10/1938, Báo Dân bị nhà cầm quyền đương thời đóng cửa do lo sợ tầm ảnh hưởng.

Nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa trung ương Nguyễn Khoa Điềm cho rằng: Dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nhưng sự ra đời của tờ báo Dân có ý nghĩa đặc biệt, thu hút sự quan tâm của đông đảo giới trí thức lúc bấy giờ. Cách đây 80 năm,  ngay trong lòng của chế độ thuộc địa, dù bị kìm kẹp, kiểm duyệt hà khắc, nhưng những người Cộng sản đã cho ra đời một tờ báo cất cao tiếng nói vì độc lập dân tộc.

Theo đánh giá của Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thái Sơn, hội thảo với hàng chục tham luận, ý kiến trao đổi, thảo luận đã làm sáng rõ lịch sử, ý nghĩa chính trị-xã hội của Báo Dân trong dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam, đồng thời đặt ra những vấn đề mang tính thực tiễn cho hoạt động báo chí, lãnh đạo báo chí, phát huy vai trò của báo chí trong giai đoạn hiện nay.

Liên Minh