Công ty Huy Anh mới đưa vào hệ thống xử lý nước thải từ năm 2017, trong khi hoạt động sản xuất đã diễn ra từ năm 2014

Ảnh hưởng chăn nuôi, trồng trọt

Theo phản ánh của người dân, từ khi Công ty Huy Anh đi vào hoạt động (năm 2014) đến nay, nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi sử dụng nguồn nước hai bên khe Mạ bị ảnh hưởng nặng nề do nguồn nước ô nhiễm. Gia súc, gia cầm sử dụng nguồn nước khe Mạ có hiện tượng bị chết hoặc vô sinh, đẻ non.

Ông Lê Phước (thôn Tân Mỹ, xã Phong Mỹ) cho biết: “Tui làm trang trại nhiều năm nay. Trước đây vùng sản xuất truyền thống của người dân xung quanh khe Mạ có nguồn nước rất sạch. Từ khi Công ty cao su Huy Anh hoạt động đến nay, gia đình tui có khoảng 10 con bê con bị chết non.

Hộ gia đình ông Phước chăn thả khoảng 40 con bò trên vùng khe Mạ, nhiều năm nay, số bò hao hụt dần; đặc biệt là sau mỗi trận mưa, nước từ khe Mạ đổ về nhiều. Con suối là nơi cung cấp nước sản xuất cho khoảng 4 trang trại lớn và nhiều gia trại nhỏ ở vùng hạ du.

Có mặt tại đầu nguồn khe Mạ, nơi Công ty Huy Anh đang hoạt động, khu vực nhà máy cách nhà dân, các trang trại từ 300-500m. Theo người dân, việc ô nhiễm nguồn nước khe Mạ làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sông Ô Lâu và khoảng 30 hộ dân tập trung hai thôn Hưng Thái, Huỳnh Trúc.

Ông Trấn Đắc Anh, cán bộ địa chính- môi trường xã Phong Mỹ cho biết, về tình trạng ô nhiễm môi trường nguồn nước, không khí từ việc sản xuất chế biến mủ cao su của Công ty Huy Anh, người dân đã kiến nghị nhiều lần, nhất là các dịp tiếp xúc cử tri. Mới đây, công ty đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải nhưng người dân vẫn còn lo lắng về tình trạng ô nhiễm nước và không khí.

Người dân là chủ các trang trại dọc khe Mạ cho rằng, nguồn nước khe Mạ trước đây rất trong, nay chuyển sang màu đen, tím và có mùi hôi. Họ rất lo lắng khi trời mưa, Công ty Huy Anh lợi dụng dòng chảy tự nhiên để xả thải, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của bà con.

Sản xuất trước, xây bể xử lý sau

Ông Hoàng Chiến, Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ thông tin, sau khi nhận được kiến nghị của người dân, UBND xã đã làm việc với Công ty Huy Anh, yêu cầu tập trung đầu tư công nghệ để xử lý môi trường, đặc biệt là khí thải, nguồn nước. Đồng thời, UBND xã đã lập tờ trình kiến nghị cơ quan cấp trên kiểm tra giám sát môi trường đối với công ty này theo quy định của pháp luật.

Hai đợt kiểm tra của Sở TN&MT, Phòng TN&MT huyện Phong Điền cho thấy, Công ty Huy Anh đã đầu tư xây dựng hệ thống xả thải và xử lý chất thải, đảm bảo quy định. Đoàn kiểm tra cũng đã có biên bản và thông báo xác minh việc ô nhiễm từ sản xuất chế biến mủ của Công ty Huy Anh nằm trong diện cho phép, thông báo này cũng được niêm yết tại trụ sở UBND xã.

Theo biên bản làm việc của Công ty Huy Anh với các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương mới đây, công ty này mới đưa vào vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải từ ngày 15/4/2017. Trong khi đó, việc sản xuất, chế biến mủ cao su của công ty bắt đầu từ năm 2014. Như vậy, việc kiến nghị của người dân dọc vùng khe Mạ về tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí có mùi hôi từ nhà máy chế biến của công ty này là có cơ sở. Tại thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra thì Công ty Huy Anh đã hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Phong Điền cho rằng, qua các đợt kiểm tra, lấy mẫu nước, không khí của cơ quan chức năng đều cho thấy việc xả thải của Công ty Huy Anh đều đạt chuẩn. “Hiện nay Công ty Huy Anh đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải khép kín, tuần hoàn nên không còn tình trạng xả thải ra ngoài môi trường bên ngoài. Tại thời điểm kiểm tra mới đây, đoàn liên ngành yêu cầu công ty chấm dứt việc xử lý chất thải rắn bằng phương pháp đốt trong khuôn viên; rà soát việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo đúng cam kết tại báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt”, ông Tùng thông tin thêm.

Công ty Huy Anh sản xuất, chế biến mủ tờ RSS với công suất thiết kế 2.400 tấn/năm, công suất hoạt động khoảng 2.000 tấn/năm; mủ khối cốm công suất thiết kế 3.600 tấn/năm, công suất hoạt động khoảng 3.000 tấn/năm với nguyên liệu sản xuất mủ nước khối lượng khoảng 4.800 tấn/năm và mủ đông với khối lượng khoảng 6.000 tấn/năm. Tổng khối lượng nước được sử dụng trong quá trình sản xuất và sinh hoạt tại nhà máy chế biến khoảng 400m3/ngày đêm. Lượng nước này sau khi qua hệ thống xử lý nước thải, được bổ sung thêm một lượng nước mặt khoảng 40m3/ngàyđêm và nước ngầm để tái sử dụng trong quá trình sản xuất.

Bài, ảnh: Hà Nguyên