Một công đoạn làm bánh cốm của ông Thành

Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Thuyên ở xóm 8, thôn An Thuận, nghề cốm đã có từ 13 đời trước được lưu truyền cho đến bây giờ. Nghề cốm An Thuận xuất xứ từ Bắc Ninh, do một người dân ở đó mang vào đây làm và lan truyền khắp nơi. Tuy là nghề tranh thủ lúc nông nhàn nhưng nghề cốm đã giúp người dân kiếm thêm thu nhập hằng ngày.

Trước đây, người An Thuận thường làm hai loại cốm là cốm dẹp và cốm nếp, cả hai loại đều ngon nhưng cốm dẹp lại cầu kỳ và công phu hơn. Không như cốm làng Vòng ở Hà Nội, cốm An Thuận có một nét đặc trưng; chắt lọc, tinh tế nhưng vẫn giữ được hương vị của thiên nhiên, phảng phất mùi thanh khiết của hương đồng cỏ nội. Hạt nếp làm cốm được tuyển chọn từ loại nếp thơm ngon. Ngoài hương thơm của nếp còn có vị cay the nồng ấm của gừng, vị bùi béo của đậu phụng và mè.  Vì vậy cứ nhắc đến cốm người ta đều nhớ đến làng quê An Thuận với hình ảnh gánh cốm hai lu và tiếng rao dạo.

Những chiếc bánh cốm được gói bằng lá chuối hay những tờ giấy báo không còn nữa mà thay vào đó là những bọc nilon cũng là lúc những hình ảnh gánh cốm dần dần biến mất. Sự xâm nhập của các mặt hàng có thương hiệu, sự cạnh tranh giá cả; thu nhập từ nghề làm bánh cốm thấp... là những lý do mà người dân An Thuận không còn sống bằng nghề như trước.

Bà Nguyễn Thị Thuyên từng theo nghề truyền thống này gần 30 năm. Bà vẫn muốn duy trì và phát triển nhưng do tác động từ nhiều phía nên đã bỏ ngang nghề từ vài năm trước. Bà Thuyên chia sẻ: “Làm nghề này phải cần nhiều người, tốn nhiều thời gian vì toàn làm bằng thủ công. Gia đình giờ còn mình tôi, con mỗi đứa mỗi việc nếu có làm cũng không ai phụ giúp, đầu ra lại không đảm bảo”.

Hiện làng An Thuận chỉ còn duy nhất hộ ông Nguyễn Duy Thành vẫn còn duy trì nghề này. Mặc dù thu nhập thấp nhưng ông vẫn muốn “giữ lửa” nghề truyền thống của ông cha mình, cái nghề mưu sinh nuôi nấng bao nhiêu thế hệ.

Ông Thành vui vẻ: “Tôi níu nghề tới tận bây giờ thì không lý do gì mà bỏ nó, hai đứa con trai tôi cũng học làm đó. Biết là thu nhập không cao, đầu ra lại hạn chế, máy móc thiết bị không đầy đủ, nhiều công đoạn làm bằng thủ công nên mất nhiều thời gian nhưng tôi vẫn muốn giữ bản sắc nghề truyền thống làng mình”.

“Bánh cốm này người ta ăn nhiều vào mùa mưa, về mùa nắng họ ít ăn lắm. Nên khoảng thời gian hoạt động nhiều nhất là 6 tháng, từ tháng 8 đến tháng giêng năm sau. Dịp lễ, tết họ đặt hàng nhiều. Lúc ấy làm cũng không xuể, tới tháng giêng người ta lại đặt tiếp hàng mang đi làm quà. Tôi nghĩ đó cũng là hình thức giới thiệu sản phẩm truyền thống quê tôi, đưa hương vị bánh cốm An Thuận đi xa và được nhiều người biết đến”, ông Thành nói.

Trưởng thôn An Thuận, ông Nguyễn Duy Doanh cho hay: Dù sản phẩm đã có thương hiệu từ lâu nhưng đầura còn “bí” và việc vận động người dân trong làng quay lại với nghề đang gặp nhiều khó khăn. Ông Thành là hộ dân duy nhất đang còn tiếp tục giữ lửa cho nghề này, chính quyền vẫn theo dõi quá trình hoạt động, xem phát triển như thế nào để hỗ trợ thiết bị máy móc. Mới đây ông Hùng ở thị trấn Tứ Hạ có tìm gặp và trao đổi về việc cung cấp gạo Nhật gia công để làm cốm hữu cơ, đưa sản phẩm vào các siêu thị ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.

Để “tìm” lại làng nghề cốm truyền thống An Thuận đang còn nhiều trắc trở, khi chính quyền địa phương, người dân đang loay hoay chưa thật sự tìm ra được hướng đi, đảm bảo ổn định đầu ra để có thể vận động người dân quay lại với nghề...

 Bài, ảnh: Linh Nhi