Suối được ngăn thành hồ
Từ TP. Huế đến suối Voi mất khoảng 1 tiếng đồng hồ đi bằng ô tô là đến trung tâm xã Lộc Tiến, rồi theo đường chỉ dẫn đi thêm khoảng 3km nữa là đến suối Voi.
Khác với kiểu làm ăn tự phát một số nơi, người dân tự giăng dây bắc ngang đường vào khu suối, thác để thu phí giữ xe, tham quan, ở suối Voi có cả trạm bán vé, người gác cổng ăn mặc trang phục của bảo vệ điều khiển cổng chắn xe ra vào. Dù có xếp hàng nhưng nếu người nhà, tài xế chưa mua được vé vẫn phải nhường cho xe sau, do khu bán vé chỉ có hai người nhưng người mua chen lấn khá đông.
Bãi giữ xe ngoài trời mới hơn 9 giờ đã gần kín chỗ, ai cũng muốn chọn cho mình chỗ có bóng mát nhưng chỉ được vài cây có bóng râm nên đành đỗ xe giữa nắng. Từ bãi đỗ xe, đi bộ khoảng thêm trăm mét nữa là đến khu tắm. Ở suối Voi, người ta chia nhau từng lán trại, hộ nào kinh doanh đều có lán trại riêng. Mỗi trại đều cử người nhà, nhân viên tiếp cận khách từ bãi đỗ xe và dẫn khách đến lán trại của mình. Đoàn khách nào có người đi trước dẫn đường thì những quán khác không tranh giành nữa.
Đến trại, nhân viên chỉ gia đình đến tôi đến sạp cuối và báo giá thuê sạp là 300 ngàn đồng, khi có người thắc mắc sao đã gọi đồ ăn, thức uống rồi mà vẫn tính tiền thuê sạp thì được giải thích, sạp tính riêng không tính vào giá thức ăn. Những người đến sau cũng cùng thắc mắc này và cho hay gia đình họ vừa đi hôm mùng 5 tháng 5 âm lịch nhưng giá thuê sạp chỉ 200 ngàn đồng, nay lại tăng thêm 100 ngàn đồng mà không có bất kỳ thông báo hay bảng giá niêm yết nào cho khách được rõ.
Thức ăn, nước uống cũng vậy, không hề có bảng giá niêm yết nên khách nào tới cũng hỏi kỹ giá từng loại thức ăn, tâm lý “sợ chặt chém” là điều có thể hiểu. Thế nhưng, giá cả không “mềm” chút nào, một con cá trê nướng khoảng 3 lạng có giá 150 ngàn đồng, một dĩa ếch xào xả vừa vừa cũng 150 ngàn đồng… Thế nên, nhiều gia đình mang cả thức ăn, nước uống đi theo là vậy.
Song, điều làm du khách cảm thấy ái ngại, phiền lòng nhất con suối được người ta bắc đập bằng đá để chia ra thành từng khu vực, mỗi nơi là mỗi cái hồ, khách đến lán trại nào thì tắm ở hồ đó. Dĩ nhiên nếu muốn tắm hồ khác cũng được nhưng đa số khách cảm thấy ngại khi mỗi hồ chưa tới trăm mét vuông đã có hàng chục người tắm từ trẻ nhỏ đến thanh niên, phụ nữ.
Đắp đập, ngăn dòng như thế nên lượng nước từ hồ trên chảy về hồ dưới không đáng kể, do đó, nước trong hồ cứ vẩn đục, một phần vì người tắm đông, phần thì rêu ở các tảng đá trôi ra nên nhiều người không muốn tắm. Gia đình tôi đi 4 người mà 3 người không dám tắm, chỉ có trẻ con lần đầu thấy hồ, suối nên không sợ bẩn nằng nặc đòi tắm.
Cách đây hơn chục năm, khi đó suối Voi chưa đông khách như bây giờ, dịch vụ ăn uống, giữ xe vẫn có nhưng người ta không ngăn dòng, đắp đập, người dân được tắm trong dòng suối mát lành, nước được lưu thông chảy từ trên cao xuống thấp nên có tắm phía cuối dòng cũng không ngại nước bẩn. Bây giờ khách đông, như hôm chủ nhật vừa rồi cả mấy trăm khách mà làm ăn kiểu “chụp giựt, ăn xổi”, đó là chưa nói đến tình trạng chèo kéo, nhà vệ sinh, phòng thay đồ tạm bợ, hôi hám như thế e khó bền vững!
Bài, ảnh: Tâm Huệ