Dù Mỹ đơn phương tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran vào tháng 5 vừa qua. Liên minh châu Âu đã đề xuất gói kinh tế nhằm đảm bảo lợi ích của Iran trước tác động của lệnh trừng phạt mà Mỹ tái áp đặt lên nước này.
Sau tuyên bố gây sốc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Mỹ cảnh báo các quốc gia khác ngừng giao dịch thương mại và kinh tế với Iran cũng như ngừng mua dầu lửa từ quốc gia Hồi giáo này nếu không muốn đối mặt với các biện pháp trừng phạt. Một số các công ty lớn như Total và Peugeot của Pháp hay Lukoi của Nga đã lên phương án chuẩn bị rút khỏi thị trường Iran.
Trong khi đó Iran cũng dọa sẽ rút khỏi thỏa thuận nếu quyền lợi kinh tế của họ bị ảnh hưởng. Trong đó, xuất khẩu dầu lửa, các giao dịch tín dụng ngân hàng, các hoạt động kinh tế, tài chính với nước ngoài, không được đảm bảo.
Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015. (Ảnh: AFP) |
Đứng trước nguy cơ nỗ lực ngoại giao đa phương sau nhiều năm trở nên vô nghĩa, các quốc gia còn lại tham gia ký thỏa thuận lịch sử trên bao gồm Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc tuyên bố sẽ duy trì thỏa thuận, đồng thời thuyết phục Iran cũng ở lại thỏa thuận thông qua một gói kinh tế do Liên minh châu Âu đề xuất. Tuy nhiên, phía Iran không hài lòng với gói đề xuất này với lý do EU chưa có lập trường rõ ràng, thiếu giải pháp thực thi và cách thức hợp tác cụ thể.
Tại hội nghị kéo dài 2 giờ ở thủ đô Vienna của Áo ngày 6/7, các đối tác của Iran cam kết duy trì, thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế, tài chính rộng rãi hơn với Iran, ủng hộ Iran tiếp tục xuất khẩu dầu lửa cũng như các mối quan hệ vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển, và hàng không với nước này. Các nước cũng ủng hộ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, làm ăn, đầu tư với Iran, đồng thời bảo vệ họ khỏi những ảnh hưởng bên ngoài lãnh thổ xuất phát từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Thông báo về kết quả cuộc họp tại cuộc họp báo, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại, bà Federica Mogherini cho biết các bên tham gia cuộc họp đều ý thức được sự cần thiết phải tiếp tục thực hiện các cam kết của thỏa thuận vì hòa bình, ổn định, và phát triển trong khu vực.
Các bên tham gia tái khẳng định cam kết của mình trong việc thực thi đầy đủ và hiệu quả thỏa thuận hạt nhân. Họ cho rằng thỏa thuận là một thành tố quan trọng của quá trình không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu và là thành tựu quan trọng của ngoại giao đa phương đã được Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhất trí thông qua nghị quyết 2231.
Bà Mogherini cho biết các bên tham gia sẽ thực thi các điều khoản đạt được thông qua các nỗ lực song phương hoặc qua đối tác quốc tế, để có được các chính sách giống nhau và thiết lập các mối quan hệ kinh tế tương tự nhau với Iran. Cũng theo bà Mogherini, Liên minh châu Âu đang trong quá trình làm mới Quy chế chặn (Blocking Statute) nhằm bảo vệ các công ty thuộc các quốc gia thành viên EU, và mở rộng thẩm quyền cho vay của Ngân hàng đầu tư châu Âu đối với Iran.
Phản ứng về kết quả cuộc họp, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cho các nhà báo biết, các quan chức châu Âu đã cung cấp lý giải rõ hơn cách thức đảm bảo lợi ích của Iran trong một số lĩnh vực như dầu lửa, ngân hàng, và không cho biết thêm chi tiết. Tuy nhiên, ông thúc giục Liên minh châu Âu thể hiện cam kết của mình trước khi lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran quay trở lại vào khoảng giữa tháng 8 và tháng 11 năm nay./.
Theo VOV