Diện tích trồng sắn kém hiệu quả được ông Sanh chuyển sang trồng cà gai leo

Bảy hộ dân tham gia

Năm 2017 Trạm Khuyến nông lâm ngư đề xuất và được UBND nhân dân huyện Phú Lộc phê duyệt việc thực hiện mô hình trồng cây dược liệu cà gai leo. Trạm Khuyến nông lâm ngư phối hợp với UBND xã Lộc Hòa triển khai thực hiện mô hình này từ tháng 3 đến tháng 7/2017.

Với đặc trưng chất đất, khí hậu ở Lộc Hòa, cây cà gai leo tại đây đã có sự phát triển rõ rệt. Ông Trần Quang Sanh, một trong 2 hộ tham gia mô hình cho biết: “Chúng tôi được dự án hỗ trợ giống, kỹ thuật và được đi tập huấn. Thay vì trồng sắn cho hiệu quả không cao, tôi chuyển một phần đất của gia đình sang trồng cà gai leo. Bước đầu loại dược liệu này cho thu nhập rất khá”. Ông Trần Sanh là một trong 7 hộ dân tại đây mạnh dạn trồng thử loại cây này.

Nói về mô hình trồng cây dược liệu cà gai leo, ông  Đào Văn Quy, Chủ tịch HND xã Lộc Hòa, nhớ lại: “Khó khăn nhất là khi bắt đầu triển khai dự án, bà con nông dân còn hoài nghi về tính hiệu quả nên không mạnh dạn đầu tư, phát triển loại cây này. Sau thời gian vận động, thuyết phục, các  hộ dân mới đồng ý tham gia dự án”.

Gia đình ông Sanh ban đầu chỉ trồng hạn chế trên diện tích 500m2. Sau một năm trồng và thu hoạch thấy có hiệu quả,  ông Sanh chuẩn bị đào gốc, mở rộng diện tích và ươm trồng lứa cà gai leo mới. Ông nói: “Mảnh đất nhà tôi khô cằn, khá xấu so với các hộ khác. Tôi sẽ ươm lại loại cây này, đầu tư thêm phân bón để tăng năng suất”.       

Với năng suất từ 1 – 1,2 tạ khô/ha/năm, bình quân mỗi sào cà gai leo thu được  hơn 10 triệu đồng, gấp 3 lần so với trồng sắn.

Cần hỗ trợ đầu ra và khâu sơ chế 

Trồng cà gai leo có hai cách là ươm hạt hoặc giâm cành. Tại Lộc Hòa, người trồng đa số chọn phương pháp thứ hai. Khi giâm cành tỷ lệ sống cao hơn, tiết kiệm được thời gian. Trong quá trình chăm sóc, do đặc điểm loại cây này thích hợp vùng đất thấp, ẩm mát nên các loại cỏ dại phát triển mạnh. Người làm cỏ phải dùng bao tay loại dày, tránh gai (cà gai leo có đặc điểm nhiều gai trên thân, cành), luồn tay sâu vào từng hốc để làm cỏ. Công đoạn thu hoạch cũng rất khó khăn.

Với tác dụng giải độc bia, rượu, giải độc gan, cà gai leo là sự lựa chọn tốt cho sức khỏe. 100% sản phẩm cà gai leo ở Lộc Hòa đều được mua nhưng chủ yếu dùng cho việc tặng, biếu, sử dụng trong gia đình. Ông Quy nói: “Chính quyền đang vừa khuyến khích mở rộng diện tích, vừa tìm kiếm đầu ra cho loại cây dược liệu này. Thực tế có nhiều sản phẩm được sản xuất ồ ạt nhưng lại không có nơi tiêu thụ. Chúng tôi đang rất thận trọng trong việc mở rộng diện tích”.

Được sự hỗ trợ của HND tỉnh về giống, hơn 20 hộ dân tại Lộc Hòa đã đăng ký tham gia sản xuất loại cây này, đưa tổng diện tích dự kiến lên 2,4ha/28 hộ.

Về khó khăn trước mắt, ông Quy cho biết: “Khó khăn lớn nhất mà chúng tôi gặp phải là việc phơi sấy và bảo quản cà gai leo, nhất là vào mùa mưa. Nếu sản lượng tăng, chúng tôi cần phải có máy sấy để đảm bảo chất lượng của loại cây dược liệu này. Hội Nông dân xã đang tích cực đề nghị được hỗ trợ máy sấy”.

Cũng về công đoạn sơ chế, ông Sanh cho hay, chỉ riêng việc phơi khô cà gai leo cũng mất đến 5 ngày với điều kiện trời nắng to. Sau đó thành phẩm phải được cho vào túi ni lông , buộc chặt, được bảo vệ bên ngoài bằng một lớp bao dày. “Chỉ cần một chút sai sót, cà gai leo khô bị mốc, ẩm thì lập tức phải loại bỏ. Đây là loại dược liệu, nấm mốc rất có hại cho sức khỏe người dùng” – Ông Sanh khẳng định.

Mai Huế