Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Phiên họp thứ 25 dự kiến tiến hành trong ba ngày (11-13/7), Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định một số nội dung.

Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về ba dự án luật, gồm: Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung liên quan về phương án phân bổ, sử dụng vốn đầu tư trung hạn từ nguồn ngân sách nhà nước còn lại giai đoạn 2016-2020; phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn cho chương trình mục tiêu quốc gia Biển Đông-Hải đảo ; sử dụng 15.000 tỷ đồng vốn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các dự án giao thông quan trọng và bổ sung dự toán ngân sách năm 2018 phần vốn ngoài nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về xử lý số kinh phí Tổng cục Thuế đã tạm ứng để thực hiện chính sách tinh giản biên chế từ năm 2012 trở về trước; về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Biểu thuế bảo vệ môi trường và dự thảo Nghị định quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Cần Thơ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc thực hiện một số quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công và Luật Bảo vệ môi trường có liên quan tới báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư; tổng kết kỳ họp thứ 5 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định về tổ chức, bộ máy của một số đơn vị hành chính tại ba tỉnh: Bình Dương, Hà Tĩnh và Bà Rịa-Vũng Tàu; việc bổ nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2021 và bổ sung địa bàn kiêm nhiệm.

Tiếp theo, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, các đại biểu đã cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam.

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Sau kỳ họp, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam.

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ cơ bản các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc xác định Cảnh sát biển thuộc lực lượng vũ trang là phù hợp với thực tiễn, tính chất, vai trò của lực lượng này.

Về phạm vi hoạt động, Cảnh sát biển được phép hoạt động trên các vùng biển Việt Nam. Tuy nhiên, việc xác định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Cảnh sát biển phải phù hợp với tính chất hoạt động của lực lượng. Đồng thời, cần làm rõ những nhiệm vụ, quyền hạn do Cảnh sát biển Việt Nam chủ trì, nhiệm vụ nào là phối hợp để bảo đảm không trùng lắp, chồng chéo.

Về bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia quy định tại Điều 2, Điều 8 cần phải làm rõ thêm là tham gia hay chủ trì bởi còn có lực lượng hải quân, biên phòng; mối quan hệ giữa cảnh sát biển và các lực lượng này cũng cần được làm rõ...

Cũng trong sáng 11/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

Theo TTXVN