Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu phát biểu khai mạc kỳ họp
Tăng trưởng còn dựa vào sản phẩm chủ lực của năm 2017
Báo cáo thẩm tra về tình hình phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2018, Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh lo ngại về việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội tăng trưởng còn thấp. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 6,12% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 7,14 của 6 tháng đầu năm 2017 và thấp hơn kế hoạch đề ra cả năm là 7,5-8%. Điều này cho thấy, tăng trưởng kinh tế của tỉnh chưa thật bền vững, vẫn dựa vào một số sản phẩm chủ lực của năm 2017 như bia, điện, xi măng, dệt may.
Theo tính toán của Cục Thống kê, để đạt chỉ tiêu GRDP cả năm 2018 tăng 7,5% thì GRDP 6 tháng cuối năm phải đạt 8,67%. Đây là thách thức lớn khi các yếu tố tăng trưởng từ phía doanh nghiệp chưa có thay đổi lớn; tình hình thời tiết diễn biến phức tạp có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, sản xuất điện... Do vậy, đề nghị UBND tỉnh đánh giá đầy đủ, phân tích rõ hơn những yếu tố góp phần thực hiện thắng lợi chỉ tiêu quan trọng này.
Về các nhóm giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018, Ban Kinh tế-Ngân sách cho rằng, cần triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại được chỉ ra trong công tác điều hành nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018; triển khai hiệu quả các chính sách được HĐND thông qua nhằm tạo chuyển biến tích cực trong các lĩnh vực này. Nhất là tạo mọi điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển, thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết số 07 của Tỉnh ủy.
Đẩy nhanh tiến độ dự án môi trường nước
Báo cáo kết quả giám sát Dự án cải thiện môi trường nước TP. Huế, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Cái Vĩnh Tuấn chỉ rõ, hoạt động giám sát nhằm đánh giá tình hình triển khai thực hiện dự án, tìm ra những hạn chế, bất cập làm chậm tiến độ công trình; xác định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân liên quan; đề xuất, kiến nghị các giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án trong thời gian tới.
HĐND tỉnh đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cải thiện môi trường nước
Theo đó, HĐND tỉnh đề nghị Ban Chỉ đạo dự án, chỉ đạo rà soát tổng thể dự án, có giải pháp khắc phục kịp thời những hạn chế, tồn tại. Đề nghị UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo Chủ đầu tư, Ban QLDA phối hợp với các sở, ngành liên quan sớm hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục liên quan để trình gia hạn Hiệp định theo quy định.
UBND TP. Huế đẩy nhanh đền bù giải phóng mặt bằng, xử lý dứt điểm các vướng mắc để bàn giao cho nhà thầu, các khu vực liên quan các dự án. Giám sát chặt chẽ việc thi công cuốn chiếu, làm đến đâu hoàn trả đến đó nhằm giảm thiểu tác động bất lợi đến người dân; có giải pháp đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình triển khai các hạng mục còn lại của dự án.
Đối với Chủ đầu tư, tư vấn giám sát, cần tuân thủ các quy định của hợp đồng xây lắp. Những nhà thầu không đủ năng lực, không thực hiện đúng tiến độ theo hợp đồng, kiên quyết phạt tiến độ theo quy định; xem xét năng lực thực tế của từng nhà thầu để chuyển giao các hạng mục của nhà thầu không đảm bảo năng lực, thi công chậm tiến độ cho nhà thầu khác đủ năng lực để đẩy nhanh tiến độ. Đối với các nhà thầu, rà soát toàn bộ khối lượng còn lại gói thầu, xây dựng kế hoạch tiến độ chi tiết cho từng hạng mục còn lại.
UBND các phường phát huy hơn nữa hiệu quả công tác giám sát đầu tư cộng đồng. Tiếp tục tuyên truyền để nâng cao tỷ lệ đấu nối hệ thống nước thải ra hệ thống thoát nước chung nhằm nâng cao hiệu quả thu gom và xử lý nước thải.
Phát triển dịch vụ đô thị thông minh
Đến chiều 11/7, Thường trực HĐND tỉnh tiếp nhận được câu hỏi chất vấn của 6 đại biểu. Những vấn đề đại biểu chất vấn liên quan đến việc ô nhiễm môi trường ở nhà máy xử lý rác thải Thủy Phương; lộ trình xây dựng nhà máy xử lý rác thải Phú Sơn (Hương Thủy); quan tâm nguồn vốn đưa nước sạch về nông thôn, nhất là các huyện miền núi Nam Đông, A Lưới; lộ trình thành lập bảo tàng mỹ thuật tỉnh; tình trạng vi phạm an toàn giao thông của xe tải, xe ben và giải pháp xử lý; có giải pháp ngăn chặn hành vi dùng giã cào đánh bắt tận diệt thủy sản trên biển; tiêu chí rà soát, công bố 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu tại TP. Huế; quy hoạch phát triển tuyến đường Lê Lợi… Dự kiến, chiều nay (12/7), HĐND tỉnh sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. |
Theo đề án phát triển dịch vụ đô thị thông minh được UBND tỉnh trình HĐND tỉnh, phát triển dịch vụ đô thị thông minh về cơ bản đáp ứng được các mục tiêu: Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao, quản lý đô thị tinh gọn, bảo vệ môi trường hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh, dịch vụ công nhanh chóng, thuận tiện, tăng cường việc đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm. Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế tiếp cận với các thành phố thông minh hiện đại trong khu vực và trên thế giới trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và du lịch.
Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, đề án đã được nghiên cứu công phu, bài bản; đánh giá đúng thực trạng hạ tầng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh, hiện trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, giao thông, môi trường; đề xuất được mục tiêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và phân tích lộ trình triển khai phát triển dịch vụ đô thị thông minh với 15 nhiệm vụ, 3 nhóm giải pháp cơ bản mang tính đột phá, khả thi để thực hiện hoàn thành đề án.
Trên cơ sở kinh nghiệm xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh của một số nước trên thế giới và một số địa phương ở Việt Nam, đề nghị UBND tỉnh cần xây dựng qui định lộ trình cụ thể, tập trung hoàn chỉnh triển khai đề án trên địa bàn TP. Huế, sau đó, đánh giá tổng kết, rút kinh nghiệm, rồi tiếp tục triển khai ra diện rộng trong giai đoạn 2020-2025. Ngoài ra, cần phải tập trung ưu tiên xây dựng kiến trúc công nghệ thông tin và truyền thông đô thị thông minh, đầu tư hạ tầng dùng chung toàn tỉnh, xây dựng kho dữ liệu số, hình thành hệ thống dữ liệu mở, khai thác tối đa hình thức thuê dịch vụ, đẩy mạnh xã hội hóa... nhằm thúc đẩy phát triển dịch vụ đô thị thông minh, nhất là các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, giao thông, môi trường.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, cần phải điều chỉnh mức thu học phí các cơ sở giáo dục công lập năm học 2018 - 2019 cho phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và nằm trong khung thu học phí qui định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021; đồng thời làm cơ sở cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập quyết định mức học phí. Theo đó, mức thu học phí năm học 2018 - 2019 tăng so với mức thu năm học 2017- 2018. Tùy theo cấp học, mức học phí được xây dựng tăng ở các vùng miền núi, nông thôn, thành phố từ 7 - 15%, mức tăng tuyệt đối từ 1.000 - 22.000 đồng. Đối với con em các gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách,... nhà nước đã có chính sách không thu học phí, miễn, giảm học phí, chính sách hỗ trợ chi phí học tập nên không bị ảnh hưởng. |
Bài, ảnh: Thái Bình