Loa thùng di động có mặt tại bãi biển Vinh Thanh

Ầm ĩ thâu đêm

Nhóm bạn từ Hà Nội vào, ngỏ ý muốn được tận hưởng không gian nhẹ nhàng trên một bãi biển lãng mạn của xứ Huế, được thưởng thức hải sản tươi ngon trong tiếng sóng biển, vừa chuyện trò tâm tình và sau đó ngủ trên bãi cát, như những “lời đồn” hấp dẫn. Tôi nghĩ ngay đến Cảnh Dương (thuộc địa phận thôn Cảnh Dương xã Lộc Vĩnh huyện Phú Lộc), bãi biển với vẻ đẹp hoang sơ mà du khách có thể ngủ giữa thiên nhiên sau buổi tối tuyệt vời, trong những chiếc lều vải do các nhà hàng phục vụ hải sản cho thuê.

Thế nhưng niềm háo hức chững lại bởi bãi biển là “bãi chiến trường âm thanh”, với tiếng nhạc “giật đùng đùng” mở hết công suất phát ra từ những chiếc loa thùng di động, số lượng “dày đặc”. Đỏ con mắt cũng không kiếm ra “khoảng trống” khả dĩ, chúng tôi đành chấp nhận ngồi xen giữa bàn ăn của những nhóm thực khách khác, mà hầu hết nhóm nào cũng “sắm” bên cạnh chiếc loa thùng để vừa ăn uống vừa tiện thể hát hò. Nhóm bên này mở nhạc sàn nhảy, bên kia hát nhạc bolero…Muốn nói chuyện với nhau, chúng tôi phải hét khản cả cổ và phải nhìn vào miệng người nói để…đoán.

Hy vọng sẽ được “trả lại” không gian yên tĩnh khi đêm về khuya. Thế mà, từ 11 giờ khuya, sự hỗn loạn âm thanh có dần “hạ nhiệt”, âm lượng của những chiếc loa cũng giảm, nhưng vẫn kéo dài suốt đêm. Yên vị trong những chiếc lều vải, nhưng nhóm chúng tôi ai nấy không thể ngủ, bởi từ chiếc loa thùng của nhóm bên cạnh vẫn phát ra tiếng xập xình. Nghe tiếng một người, có vẻ như là nhóm trưởng bảo: “Chúng mình tranh thủ ngủ để mai còn dậy sớm nè”, tôi khấp khởi mừng, nhìn đồng hồ, thấy đúng 3 giờ sáng. Nhưng rút cuộc, câu nhắc nhở đó cứ cách 1 giờ đồng hồ, lặp lại 1 lần, cho đến 6 giờ sáng chiếc loa thùng mới chịu “tắt tiếng”, khi nhóm thanh niên dọn đồ rời khỏi bãi biển. Những người bạn tôi ngao ngán, mệt mỏi vì suốt cả đêm không được ngủ và bị những chiếc loa thùng “tra tấn”.

Lần khác, nhóm bạn thời phổ thông của tôi từ Quảng Bình vào Huế, muốn đến bãi biển Cảnh Dương (vì thấy nhiều người đăng cảnh biển trên facebook quá đẹp). Tôi đề nghị sẽ dẫn các bạn đến điểm khác, vì sợ phải lặp lại tình cảnh dở khóc dở mếu hôm trước. Bạn có vẻ giận nên tôi đành “thua”. Rút kinh nghiệm, lần này tôi thuyết phục nhóm thuê nhà nghỉ, có nơi mà nghỉ ngơi sau khi tắm, ăn uống ngoài bãi. Thế nhưng tiếng nhạc ầm ĩ từ những chiếc loa thùng vẫn “đuổi theo” không tha. Dù không “nóng” như bãi biển Cảnh Dương, nhưng tại bãi biển Vinh Thanh (trên địa bàn xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang), các nhà hàng trên đầm Chuồn (địa bàn huyện Phú Vang), cũng bị nạn loa thùng di động manh nha “tấn công”, gây nhiều phiền phức, không hài lòng khách.

Điểm trừ

Không được yên thân, nhiều du khách ở bãi biển Cảnh Dương tìm chủ nhà hàng để “có ý kiến”. Thế nhưng, các chủ nhà hàng chỉ biết phân bua, làm ăn kinh doanh phải coi “khách hàng là thượng đế”, nếu không đáp ứng nhu cầu của khách, sợ rằng sẽ làm mất lòng và mất một bộ phận khách. Với lý do đó, các chủ nhà hàng sẵn sàng cho thuê loa thùng, mỗi khi các nhóm khách có yêu cầu (nhiều nhóm thanh niên tự trang bị, mang theo loa thùng đến “góp vui”), càng không thể “quy định”, hạn chế âm lượng và giờ giấc, dù mạnh ai nấy mở, mạnh ai nấy hát, nháo nhào, lộn xộn, đinh tai nhức óc. Đây cũng là nỗi “khó nói” của các chủ nhà hàng trên khu vực đầm Chuồn.

Chị Nguyễn Thị Phượng (trú tại quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cùng nhóm bạn đến từ Đà Nẵng tỏ vẻ không hài lòng, khi đã đi thuyền ra tận nhà hàng giữa đầm, mong “bỏ lại” sự ồn ào, bụi bặm phố xá để tận hưởng cảm giác êm đềm, thoải mái, nhưng lại phải bất đắc dĩ bị “tra tấn” bởi loa thùng di động. “Điều này là một “điểm trừ” trong tình cảm của chúng tôi”- Chị Phượng thẳng thắn bày tỏ. Đó cũng là quan điểm của ngay chính nhóm bạn của tôi đến từ Hà Nội, khi bực bội bảo sẽ không quay lại bãi biển Cảnh Dương thêm lần nào nữa, nếu vẫn để tồn tại vấn nạn này. Các cơ sở sản xuất, các hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn ở khu dân cư, nơi công cộng, không chỉ làm ảnh hưởng đến cuộc sống người khác, mà còn là hành vi vi phạm, bị xử lý theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực môi trường. Việc gây ô nhiễm tiếng ồn ở các điểm du lịch không chỉ là sự thiếu tôn trọng, làm ảnh hưởng đến người khác mà còn làm “méo mó” không gian, nghỉ dưỡng, là “điểm trừ” của du lịch tỉnh nhà, chẳng lẽ không được cơ quan chức năng, thẩm quyền xử lý?

Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh, ông Lê Công Minh:

Buộc cam kết dừng sau 22h

Lâu nay địa phương vẫn chưa nghe phản ánh của người dân và du khách về tình trạng tiếng ồn phát ra từ các dàn âm thanh di động ở các quán dọc các bãi biển. Tuy nhiên, do nhu cầu, vẫn có tình trạng du khách mang theo dàn âm thanh karaoke di động hoặc thuê của người dân địa phương để hát cho nhau nghe.

Việc ca hát ở bãi biển không có gì xấu nếu như giữ mức độ âm thanh vừa phải, không ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Để xác định mức độ ô nhiễm tiếng ồn phải cơ quan thẩm quyền cấp tỉnh (Sở Tài nguyên- Môi trường), nên trước mắt chúng tôi đã nắm, chỉ đạo lực lượng công an xã gặp trực tiếp các chủ quán ven biển tuyên truyền, nhắc nhở không vi phạm việc mở âm thanh quá lớn và quá khuya. Chúng tôi cũng buộc các chủ quán cam kết sau 22h đêm phải dừng để không ảnh hưởng đến hoạt động vui chơi, nghỉ dưỡng của du khách và người dân.

Chánh Thanh tra Sở Văn hóa- Thể thao, ông Nguyễn Văn Hà:

Chưa xử phạt được trường hợp nào 

Đối với các hành vi vi phạm về tiếng ồn, điều 17 Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường quy định như sau: Phạt cảnh cáo đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 2 dBA; phạt tiền từ 1- 160 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 2-40 dBA. Bên cạnh đó còn có các hình thức phạt bổ sung đình chỉ hoạt động cũng như các biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra. Còn theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn, giới hạn cho phép về tiếng ồn ở khu vực đặc biệt như bệnh viện, trường học thì từ 6-21h không lớn hơn 55dBA, từ 21-6h không lớn hơn 45dBA; khu vực thông thường như khu dân cư từ 6-21h không lớn hơn 70dBA, từ 21-6h không lớn hơn 55dBA.

Từ trước đến nay, Thanh tra sở mới chỉ phối hợp với Thanh tra Sở Tài nguyên- Môi trường kiểm tra, chấn chính một số điểm vi phạm tiếng ồn. Vẫn chưa xử phạt được trường hợp nào do vướng một số điều, trong đó quan trọng nhất là cần có thiết bị chuyên dụng để làm căn cứ xử lý vi phạm.

Phó Giám đốc Sở Du lịch, ông Nguyễn Văn Phúc:

Cần đưa các nội dụng vào hương ước để đánh giá gia đình văn hóa

Nhìn chung, khách du lịch đánh giá rất tích cực về các khu nghỉ dưỡng ở Huế. Tuy nhiên, họ cũng khá quan ngại về tiêng ồn tại khu cư dân gần các resort, khu nghỉ dưỡng và theo nhân viên các khu resort thì việc này xảy ra khá thường xuyên.

Bản chất các khu nghỉ dưỡng là chăm sóc sức khỏe, cần sự yên tĩnh, thư thái nhưng với tiếng ồn như vậy, chắc chắn sẽ làm giảm giá trị khu nghỉ dưỡng, điểm du lịch. Trước mắt, chúng tôi phối hợp với phòng văn hóa thông tin cấp huyện tổ chức tuyên truyền, vận động người dân sống ở các khu du lịch, điểm du lịch không mở nhạc quá lớn. Có thể đưa nội dung này vào hương ước nhằm đánh giá tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa hằng năm.  

Thái Bình (ghi)

Bài, ảnh: Quỳnh Anh