Người dân đi bộ trong khu tài chính và kinh doanh của La Defense, phía tây Paris, Pháp. Ảnh: Reuters
Phát biểu tại buổi tiếp đón 200 giám đốc tài chính, Thủ tướng Philippe cho biết, hầu hết các thay đổi sẽ được thực hiện vào cuối năm, khi các quốc gia trên toàn EU tham gia vào cuộc đua nhằm thu hút các ngân hàng từ London trong bối cảnh bất ổn về những tác động của Brexit lên trung tâm tài chính lớn nhất khu vực.
Đối với các nhà quản lý tài sản đến Pháp, họ sẽ có thể có lãi suất thực được khấu trừ ở mức 30% thay vì thuế suất thuế thu nhập cao hơn. Quốc gia này cũng sẽ tiến hành việc phân bổ lợi thế thương mại, như là một phần của một dự án dài hạn châu Âu để hài hòa các quy định trong tính thuế doanh nghiệp.
"Một trung tâm tài chính được xây dựng với sự kiên nhẫn và nhất quán. Tôi muốn sự thống nhất này là thương hiệu của chiến lược kinh tế và chính sách hấp dẫn của chúng tôi", Thủ tướng Philippe phát biểu.
Cùng với các bước đi đã được thực hiện bởi Tổng thống Emmanuel Macron, động thái này càng cho thấy mong muốn thúc đẩy Paris trở thành một trung tâm tài chính, chẳng hạn như kế hoạch cắt giảm dần thuế doanh nghiệp xuống còn 25% và loại bỏ thuế tài sản tài chính.
Paris đang cạnh tranh với các thành phố lớn khác như Frankfurt, Dublin và Luxembourg để có thể giành chiến thắng trong mảng tài chính, sau khi Anh chính thức rút khỏi EU vào tháng 3/2019 tới.
Được biết, Paris đã giành được 3.500 việc làm trong lĩnh vực tài chính – phần việc làm rút khỏi khỏi Anh do Brexit.
Ngân hàng HSBC tạo ra số lượng lớn với 1.000 việc làm, trong khi các ngân hàng Pháp chuyển trụ sở về lại Paris sau Brexit sẽ bổ sung thêm 1.000 việc làm, và phần còn lại sẽ đến từ một loạt các ngân hàng Phố Wall và các công ty tài chính khác.
Ngân hàng Mỹ Merrill Lynch, JPMorgan, Citigroup, Morgan Stanley, Goldman Sachs, Standard Chartered và Wells Fargo đều đã đưa ra "thông báo ủng hộ Paris", Reuters đưa tin.
Bảo Nghi (Lược dịch từ Reuters)