Show diễn này được rút gọn một phần từ "Văn hiến kinh kỳ"- một chương trình "đinh" của Festival Huế 2018 do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế dàn dựng. "Âm sắc cung đình" ưu điểm ở chỗ "gọn gàng" hơn, có thể đưa vào trình diễn ở sân khấu nhà hát nên không phập phồng lệ thuộc bởi thời tiết, do vậy sẽ không sợ bị "bể" tuor. Động thái ấy bên cạnh cố gắng làm phong phú thêm sản phẩm du lịch, nhất là sản phẩm du lịch về đêm cho Huế, mong muốn xa hơn còn là qua đây để quảng bá, làm lan tỏa giá trị của Nhã nhạc- Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại đã được UNESCO công nhận cách đây tròn 15 năm (2003).

Được xem trình tấu kiệt tác của nhân loại ngay tại Duyệt Thị Đường- nhà hát hoàng gia cổ nhất Việt Nam còn bảo tồn cho đến ngày nay, điều ấy hẳn là có sức hấp dẫn không hề nhỏ. Ai đến Việt Nam và thăm Huế, chắc rằng sẽ không dễ để bỏ qua một trải nghiệm tuyệt vời như vậy. Cảm giác ấy có lẽ cũng như của chúng tôi dạo đến Udon Thani (Thái Lan) cách đây mấy năm. Nghe nói sẽ đi thăm khu khảo cổ Ban Chiang, không mấy ai trong đoàn hào hứng. Nhưng khi được giới thiệu đây là khu Di sản văn hóa thế giới của đất nước Chùa Vàng, tất cả rạo rực liền. Đến Ban Chiang, đi một vòng tham quan các hiện vật khảo cổ, dùng cơm trưa, rồi xem trình diễn âm nhạc di sản, dù cảm nhận có thể khác nhau, nhưng khi rời đi ai cũng thỏa mãn vì trải nghiệm ở một địa chỉ đẳng cấp thế giới.

Nhân chuyện "Âm sắc cung đình", tôi cũng chợt lẩn thẩn nghĩ về chuyện làm sao để lan tỏa thêm sự tự hào, sự hiểu biết cái tinh hoa của di sản văn hóa phi vật thể cho dân "bổn địa" xứ "mệ". Bởi, có thể nói ra thì có người tự ái, nhưng cho sòng phẳng thì không có quá nhiều người Huế biết về Nhã nhạc nó "hình hài" ra làm sao. Thậm chí có những người "có chữ nghĩa" hẳn hoi, khi được ướm hỏi, bí quá chữa thẹn bằng cách xướng lên "chè xôi chuối để cúng ông bà" một cách hài hước, nhưng như thế cũng đã là khá lắm. Nó cũng tương tự như ca Huế, nói rằng nổi tiếng nhưng để ý sẽ thấy dân Huế khi đi giao lưu và được đề nghị thì thường "vò đầu bứt tai", rất ít người có thể hát tròn một bài ca Huế, trong lúc bạn thì vọng cổ, quan họ say sưa, rộn ràng...

Với lớp lớn tuổi có thể xem như đã "muộn", song với lớp trẻ, có lẽ cũng đã đến lúc phải suy nghĩ làm thế nào đó để các em, các cháu có được khái niệm rõ ràng về Nhã nhạc; biết được một vài điệu lý, điệu hò của Huế. Bởi đó là văn hóa, là di sản vô giá của tiền nhân, của vùng đất mà lớp hậu sinh cần phải trân quý. Nhưng muốn làm được điều ấy, trước hết cần phải biết, phải hiểu đã. Không biết, không hiểu thì sẽ không quý. Mà ta không quý (di sản của cha ông ta) thì làm sao "buộc" người ngoài phải quý, phải yêu? Nhất là làm sao mà có thể gìn giữ, truyền trao di sản ấy cho các thế hệ sau này...

HUY KHÁNH