Trong bối cảnh đó, hệ thống cây xanh che bóng luôn phải đối mặt với những thách thức lớn (gãy cành, tước thân, tróc gốc đổ cây…), gây tai nạn cho người tham gia giao thông, gây thiệt hại nhà cửa, công trình hạ tầng kỹ thuật.

Ngoài vai trò quản lý của cơ quan chức năng, một số chủ đầu tư thi công dự án mở đường, chỉnh trang vỉa hè, lắp đặt hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm… chưa thể hiện hết trách nhiệm, còn tắc trách trong việc di dời, trồng mới cây che bóng hoặc tác động tiêu cực lên hệ thống cây xanh che bóng. Hiện trạng này cộng với việc chọn loài cây, kích cỡ cây, kích cỡ túi bầu cho từng cây trồng không phù hợp; áp dụng chưa đúng kỹ thuật trồng, chăm sóc, mé cành, tỉa tán; vị trí trồng trên các vỉa hè không đúng quy định pháp quy góp phần cộng hưởng với gió bão, mưa ngập gây hiện tượng cây gãy, đổ, tạo rủi ro.

Trước những nguy cơ trên, việc tăng cường tính bền vững cho hệ thống cây xanh nói chung, cây xanh đường phố nói riêng là không của riêng ai.

Trước hết, chính quyền các cấp cần vào cuộc để thúc đẩy, giám sát cơ quan chức năng trong việc quản lý cây xanh; các cơ quan chức năng cần thay đổi cách nghĩ, cách làm để có một cuộc cách mạng quản lý cây xanh đô thị tốt hơn; và sau cùng là nhân dân trong địa bàn thành phố, nhất là cư dân sống hoặc buôn bán mưu sinh ven các đường phố cần nâng cao ý thức bảo vệ cây xanh.

Một cách cụ thể, đã đến lúc phải thực hiện đồng bộ một loạt giải pháp tổng, bao gồm:

Về giải pháp hành chính: Thực thi triệt để các văn bản pháp quy nhà nước, từ nghị định của Chính phủ đến các thông tư của Bộ Xây dựng và quyết định của UBND tỉnh, thành; quy hoạch đường phố phải đồng bộ, xem cây xanh là một hợp phần quan trọng không kém các hợp phần hạ tầng kỹ thuật, cần quy hoạch cụ thể phần đất cho cây xanh để khi các hợp phần hạ tầng kỹ thuật ngầm được lắp đặt trước khi trồng cây xanh thì không xâm phạm địa giới trồng cây đã quy định; phối hợp có trách nhiệm giữa các cơ quan chủ quản liên quan khi thi công thiết kế, xây dựng và duy tu, sửa chữa các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm dưới vỉa hè; các đường dây điện, viễn thông trên không. Đưa vào quy định quản lý cây xanh đô thị những điều thưởng phạt cụ thể nhằm phòng chống những hành vi tiêu cực gây tổn thương cây xanh hoặc bức tử cây xanh…

Về giải pháp xã hội: Các cấp chính quyền nên tuyên truyền vận động các tổ chức và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thực hiện quyền làm chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm bảo vệ cây xanh đô thị, không tác động tiêu cực lên cây xanh vì lợi ích cá nhân; UBND tỉnh nên chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các chương trình ngoại khoá về quản lý cây xanh cho học sinh các trường phổ thông; các đoàn thể (Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ…) nên tổ chức định kỳ các hoạt động bảo vệ cây xanh đô thị như tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ cây xanh, tuân thủ các quy định của nhà nước về quản lý cây xanh; kiểm tra phát hiện các tác động tiêu cực lên cây xanh để giải toả (nếu được) hoặc cảnh báo cho cơ quan quản lý nhằm có biện pháp ứng phó…

Về giải pháp kỹ thuật: Cơ quan quản lý cây xanh cần cử cán bộ chuyên trách thường xuyên thăm khám để kịp thời phát hiện những tổn thương hoặc những nguy cơ đe dọa sự sinh trưởng của cây xanh nhằm có biện pháp khắc phục kịp thời; cắt tỉa tạo tán định kỳ, chọn thời điểm cắt tỉa phù hợp (không phải chỉ để đối phó với gió bão) để không những không làm mất sức sống mà còn kích thích cây đâm lộc, nảy cành mạnh mẽ; cắt tỉa tạo tán phải đúng kỹ thuật, cắt tỉa xong phải trám bít vết cắt bằng vật liệu thích hợp để tránh đẫm nước gây thối vết cắt tạo điều kiện cho các tác nhân gây hại (vi nấm, vi khuẩn, rêu, tảo) xâm nhập gây thối cành, hỏng thân, bọng ruột, làm giảm tuổi thọ cây, thậm chí gây chết cây hoặc khiến cây dễ gãy đổ khi gặp gió chướng; đối với những cây cổ thụ đồ sộ, cần phải hạ chiều cao, thu gọn tán, mở họng cho gốc, cắt tỉa rễ nổi, thay đất, bón thúc phân; xóa bó vỉa bê tông chung quanh hố trồng cây, thay vào đó là đậy hố gốc cây bằng những tấm vật liệu thấm nước thông khí, tốt nhất là loại bê tông xuyên nước (chẳng hạn như mẫu của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đã thử nghiệm ở TP. Đà Nẵng). Thực hiện kỹ thuật này sẽ làm cho gốc cây không bị tấp rác, đồng thời nước mưa dễ thấm vào rễ cây và rễ cây dể hấp thu không khí từ bên trên lan tỏa xuống một cách tự nhiên, hơn thế nữa là làm tăng diện tích bề mặt vỉa hè, từ đó vỉa hè cũng thông thoáng, sạch sẽ hơn; tuyệt đối không để việc thi công lắp đặt các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm gây tổn thương gốc cây hoặc hủy hoại hệ thống rễ cây. Khi thực hiện trồng thay thế hoặc trồng mới cây xanh đường phố cần chọn loài thích hợp, cây đưa trồng phải đảm bảo có bộ rễ tối thiểu, không bịn cắt gọt hết rễ cọc (tối thiểu phải chừa lại một phần đoạn sinh trưởng) để sau này cây có bộ rễ ăn sâu vừa đảm bảo về sinh lý dinh dưỡng, vừa phát huy vai trò gắn bám cơ học giúp cây sinh trưởng khỏe và chống chịu tốt với gió bão…

Hy vọng với một số ý kiến đóng góp trên sẽ góp phần vào việc tăng cường tính bền vững cho hệ thống cây xanh đô thị, giảm thiểu tối đa rủi ro không nên có cho cộng đồng cư dân đô thị và khách du lịch trong mùa mưa bão.

Đỗ Xuân Cẩm