Lý do mà họ nêu ra là quá đau và quá bất công. Tôi hiểu, trong nỗi đau khó nói thành lời kia, có không ít kẻ đã đặt cược gia sản vào đôi chân của Neymar và các đồng đội bởi đã mơ về một trận chung kết có sự góp mặt của thầy trò Tite.

Cầu thủ Anh góp mặt tại vòng bán kết sau 28 năm. Ảnh: Internet

Tôi không bao giờ chơi trò đỏ đen quanh trái bóng tròn nhưng rất mê bóng đá và là fan của thứ bóng đá đẹp, có dáng vẻ của bóng đá vỉa hè, cuồng nhiệt, si mê và cũng ngây ngô một cách dễ thương đến từ một nơi khá xa lạ: Nam Mỹ. Tôi cũng lại thích sự cân bằng, thế nên không tài nào chịu nổi kịch bản ở vòng bán kết khi mà nó là chuyện riêng của bóng đá châu Âu. Còn nữa, đã 3 kỳ World Cup kế tiếp, bóng đá châu Âu ngự trị độc quyền ở ngôi vương là điều thật khó tin.

Cũng đã có tới 4 lần trước đó trong lịch sử, vòng bán kết World Cup không có sự góp mặt của Nam Mỹ. Đó là vào các năm 1934, 1966, 1982 và 2006. Thế nhưng, lần này khác biệt hơn nhiều. Ví như năm 1982, hai ông lớn Brazil và Argentina bị loại bởi Italia nhưng trước đó vô địch giải đấu năm 1978 là Argentina và ngay sau đó, vào năm 1986, cũng là bóng đá xứ tango. Hay như mới đây vào năm 2006, trước đó 4 năm Brazil lần thứ 5 vô địch thế giới. Còn bây giờ, đã 4 mùa giải đi qua, cúp vàng cứ mải vui cùng lục địa già.

Xưa tranh cúp vàng là chuyện của các ông lớn, ở châu Âu là Đức, Italia và có thêm sự góp mặt của Anh và Pháp, còn Nam Mỹ là Brazil, Argentina và lâu lắm rồi có thêm Uruguay. Gần 10 năm trước, châu Âu có thêm Tây Ban Nha xuất hiện và World Cup lần này hẳn không bỏ qua cái tên Quỷ đỏ, biệt danh của đội bóng Bỉ và thêm một kẻ lạ nữa là Croatia. Nam Mỹ chẳng thấy có ai mới.

World Cup 2018 chứng kiến 4 cú gục ngã của bóng đá Nam Mỹ. Có cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, Argentina ngộ nhận họ đến nước Nga để giúp Messi đĩnh đạc bước vào tòa lâu đài dành cho những huyền thoại. Gặp người Pháp trên đường tìm lại vinh quang, Argentina của Messi ngã gục bởi đơn giản họ chỉ là gã khổng lồ chân đất sét. Tiếc cho mũi giáo 2 đầu Uruguay thiếu vắng Cavani nên đành thất thủ cũng bởi người Pháp ở vòng tiếp theo. Còn Columbia, chết trên chấm đá phạt luân lưu trước người Anh để lại nhiều ấm ức.

Khi mà bao nhiêu niềm tin và hy vọng được dồn tụ vào Brazil rất xứng đáng thì sự lỗi nhịp của điệu Samba khiến cho bao lòng người tê tái. Bốn năm trước, Brazil thua tủi nhục 1-7 để rồi sau đó, xót xa nhìn kỳ phùng địch thủ là người Đức hân hoan đoạt cúp vàng ngay ở sân nhà. Tỷ số trận cầu bị loại bây giờ chỉ là 1 - 2 nhưng cũng là một vết đau nhức nhối khi kẻ tiễn đưa chỉ là người Bỉ, chưa bao giờ được xếp ngồi chung chiếu với bóng đá Brazil.

Xem thế trận mà người Pháp bày ra để bủa vây Argentina và Uruguay thấy cứ như “thiên la địa võng” khiến đối phương không biết đâu mà lần và rồi, thua là cái chắc. Còn chứng kiến trận cầu người Bỉ đả bại Brazil không ai nghi ngờ về sức mạnh của Quỷ đỏ. Họ có binh hùng tướng mạnh, bày binh bố trận cũng tầng tầng, lớp lớp. Trận cầu chỉ qua vài chục phút mà xem như đã định đoạt xong khiến thầy trò ông Tite cứ trong thế rượt đuổi hoài và rồi cuối trận, cũng trắng tay.

Gần 10 năm trước, Tây Ban Nha xuất chinh và lần đầu tiên đoạt cúp vàng bởi bí kíp có tên Tiqui - taca mới mẻ và biến hóa. Bốn năm trước, người Đức khiến Brazil và sau đó Argentina tối tăm mặt mũi bởi một lối chơi biến hóa, tấn công và ghi bàn chớp nhoáng. Còn bây giờ, không còn quá sớm để nói về bộ tứ Anh - Pháp - Bỉ và Croatia. Khi World Cup đã thành Euro, tôi dành tình cảm cho Quỷ đỏ và đội bóng áo sọc ca rô bởi tìm thấy ở các đội bóng này sự phá cách, nét tươi tắn và sức vóc của chàng Phù Đổng năm nào.

ĐAN DUY