62% biết về chiến dịch quảng bá du lịch Hà Nội; tỷ lệ nhớ được quảng cáo trên truyền hình, quảng cáo trên các kênh xã hội đều cùng là 43% và 41% trong số này nhận ra nội dung các cảnh quay là về du lịch Hà Nội. Một thông số khác cho thấy, 93% người xem biết Hà Nội có rất nhiều di tích, di sản và các điểm tham quan thú vị từ quảng cáo và 92% đồng ý Hà Nội có nhiều hoạt động du lịch, khơi gợi hứng thú và thúc đẩy mong muốn tới thăm Hà Nội... Đây là những con số được đánh giá bởi Công ty BDRC Continental với tư cách một cơ quan độc lập về hiệu quả của hoạt động quảng bá Hà Nội trên CNN. 6 tháng đầu năm 2018, Hà Nội đón hơn 13 triệu khách du lịch, trong đó có 3,07 triệu khách du lịch quốc tế, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2017 (Hiệu quả từ đổi mới quảng bá du lịch – báo Nhân dân điện tử). Với kết quả này, Giải thưởng Chiến dịch marketing tốt nhất là điều mà Hà Nội được vinh danh tại Diễn đàn Tổ chức xúc tiến du lịch các thành phố châu Á - Thái Bình Dương (TPO) tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh trong những ngày gần cuối tháng 6 vừa qua.
Khách đến các khu du lịch đông nhờ công tác quảng bá tốt. Ảnh: L. Đan
Thực ra mà nói thì tôi, trong những lần lướt các kênh truyền hình cũng đã bị thu hút bởi những clip ngắn nhưng sinh động về Hà Nội. Ở đó không chỉ là văn hóa mà còn là nhịp sống và hơi thở của vùng Thủ đô với những khuôn hình vừa quen, lại vừa lạ. Những thôi thúc về sự trở lại, đôi khi được bắt đầu bằng sự đánh thức và gợi nhớ như thế...
Dẫu biết rằng Huế chưa thể nào có đủ tiềm lực để xuất hiện trên một kênh truyền hình với độ phủ sóng lớn trên toàn thế giới như CNN, nhưng trong một mong muốn không kém phần thôi thúc khác, tôi cũng đã trở lại với câu hỏi về việc Huế đã có một chiến lược quảng bá hình ảnh như thế nào để thu hút lượng khách đến ngày một đông hơn? Liệu đã có những giải pháp nào tốt hơn bên cạnh việc xây dựng các mối quan hệ mang tính phối hợp với các thị trường du lịch khác trong nước như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Quảng Nam, Quảng Bình, Bạc Liêu... cũng như thiết lập các mối quan hệ thỏa thuận, hợp tác giữa 2 bên nhằm thúc đẩy phát triển du lịch tại Huế với các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Jetstar Pacific? Du khách (nhất là khách quốc tế) biết đến Huế chủ yếu từ các festival, hội chợ hay kênh thông tin nào và hiệu quả của việc tổ chức các đoàn famtrip, fresstrips trong thời gian qua ra sao...?
Sân bay Phú Bài được nâng cấp, mở rộng, tạo điều kiện cho ngành du lịch đón thêm khách. Ảnh: L. Đan
Đồng ý với ý kiến về việc chưa có lợi thế và một nguồn đầu tư lớn cho việc quảng bá hình ảnh và văn hóa Huế trên các kênh truyền hình quốc tế, song theo anh Lê Hữu Minh – quyền Giám đốc Sở Du lịch Huế thì lượng khách đến Huế đã có những thay đổi tốt hơn, khả quan hơn khi bên cạnh việc các hình thức truyền thống, ngành Du lịch Huế đã “đặt chân” vào công nghệ số để quảng bá với sự xuất hiện bằng tần suất ngày một nhiều hơn, dày hơn trên các trang ứng dụng du lịch trực tuyến lớn, đa ngôn ngữ như Traveloka, Agoda, booking và Ivivu... Tỷ lệ khách đặt chỗ trực tuyến ở các khách sạn 4-5 sao trên địa bàn đã tăng từ 30% - 40% lên 50% – 60% cũng là một thông tin mà tôi được chia sẻ.
Những điều này cho thấy, việc ứng dụng công nghệ số đã góp phần vào việc thay đổi tỷ lệ khách đến Huế và đó cũng là một chiều hướng đương nhiên của tương lai. Tuy nhiên, có lẽ vẫn cần nghĩ đến việc quảng bá hình ảnh và đầu tư cho quảng bá hình ảnh của Huế đến những thị trường rộng lớn hơn, như một hình thức đi trước, hoặc đồng thời để mời gọi và thu hút khách đến Huế.
Khi mà việc tìm hiểu và kết nối các thị trường được giao dịch và thực hiện bằng những cú click chuột, việc chuẩn bị nền tảng cho những thao tác đó đã trở nên quan trọng khi nó quyết định hiệu suất của điểm đến...
MINH HÀ