Tác giả nói chuyện với các bạn nhỏ Hoa Kỳ về văn hóa Việt Nam. Ảnh: Hà Linh
Quảng bá hình ảnh Việt
Để lá cờ Tổ quốc được tung bay trên nước Mỹ, tôi từng mặc áo và cầm cờ Tổ quốc đại diện cho sinh viên Việt Nam cùng với hàng trăm sinh viên của hơn 30 quốc gia khác đang học tập tại Trường đại học Texas Tech đi diễu hành quanh thành phố nhân dịp chào mừng quốc khánh Hoa Kỳ. Những cái bắt tay nồng ấm với người dân địa phương đứng chào hai bên đường khiến tôi có cảm giác hai đất nước như gần gũi nhau hơn.
Mới mong muốn quảng bá được thật nhiều hình ảnh đất nước trong khả năng có thể, tôi khắc bản đồ Việt Nam với các hình ảnh du lịch ba miền đại diện và cả đảo Hoàng Sa – Trường Sa lên quả bí ngô trong cuộc thi khắc tỉa bí ngô nhân dịp Halloween do một công ty du lịch ở Mỹ tổ chức. Dù không phải là quả bí đẹp nhất nhưng chắc hẳn nhiều thực khách đến xem cũng biết nhiều hơn về Việt Nam thân yêu.
Giao lưu sinh viên Đại học Texas Tech tại Huế. Ảnh: Hà Linh
Trong hội thi nấu ăn nhân dịp “Thanksgiving” – Lễ tạ ơn, tôi tự tay làm một món cơm chiên thập cẩm với nem chả xứ Huế, lạp xưởng cùng chả giò và trang trí món ăn Việt Nam thành hình con gà Tây truyền thống khiến đồng nghiệp không ngớt trầm trồ thán phục. Những dịp tết cổ truyền Việt Nam, tôi thường tặng những người bạn Mỹ cà phê phin kèm phin lọc và hướng dẫn cách pha chế. Sau vài lần thử cà phê “nặng đô”, bạn bè liền “mê mệt” và hỏi ngay địa chỉ nơi bán trong thành phố để đến mua thêm.
Một lần, nhân sinh nhật của một người bạn, tôi tìm mua những món quà lưu niệm thuần Việt, là hình ba cô gái Việt bằng sứ với trang phục truyền thống ba miền và chiếc quạt xếp có tranh vẽ về phong cảnh Việt Nam. Những món qùa ý nghĩa ấy khiến bạn vô cùng thích thú, cảm động.
Và đã thành một nghi thức, mỗi mùa Tết, chúng tôi luôn cho hai cô con gái mặc áo dài đi học và không quên mang theo bánh chưng, mứt tết và bao lì xì đến lớp để kể cho cả lớp nghe về ý nghĩa ngày Tết của Việt Nam. Trong một dịp lễ hội văn hoá do trường học của hai cháu tổ chức, chúng tôi cho hai con hoá trang, vào vai nữ tướng Trưng Trắc, Trưng Nhị với đầy đủ ngựa, áo mão... và cả kiếm, tái hiện cảm xúc thắng trận của hai nữ tướng khiến thầy cô và bạn bè vô cùng thích thú.
Bản đồ du lịch Việt Nam trên quả bí ngô. Ảnh: Hà Linh
Tôi cũng đã từng có những buổi chia sẻ với sinh viên Trường đại học Texas Tech, các bé thiếu nhi trong trường mẫu giáo hay ở lớp học hè về văn hoá Việt, giúp các bạn trẻ ở một đất nước xa xôi hiểu hơn về dân tộc mình, đôi khi chỉ bằng cách giới thiệu những trò chơi dân gian quen thuộc như đá cá, bắn bi, chăn trâu, tắm sông...
Và trong luận văn bảo vệ tiến sĩ và các bài báo viết về giáo dục của vợ tôi cũng đều đề cập đến Việt Nam với sự hỗ trợ của các giáo sư đã từng đến Việt Nam làm việc. Giờ đây những bài nghiên cứu có tên Việt Nam đã xuất hiện nhiều hơn trong thư viện lưu trữ cũng như một số bài báo quốc tế được đăng tải.
Mang lại những điều tốt đẹp
Một người bạn “già” của tôi - bà Julie-người đã từng đến Việt Nam tham quan. Sau những lần thăm hỏi, tình bạn trẻ - già thắt chặt. Như thể yêu hơn Việt Nam qua một người bạn mới, bà quyết định quay lại Việt Nam lần hai. Trong hành trình khám phá ấy, bà đã đến tận gia đình tôi ở Huế để thăm hỏi. Và Giáng sinh năm nay, bà sẽ trở lại Việt Nam lần thứ ba để đón năm mới với nhiều người bạn hơn ở Huế mới quen-những người mà với bà là “tri kỷ”.
Từ 10 năm nay, đoàn sinh viên Khoa Lịch sử Trường ĐH Texas Tech mỗi lần đi thực tế ở Việt Nam, luôn ghé đến Huế trong vòng ba ngày để tìm hiểu về Huế. Mỗi khi đến Huế, họ đều được đón tiếp long trọng, ấm cúng tại DMZ bar với những chiếc pizza đặc biệt có logo của trường, như chiếc cầu nối giữa Huế và những người bạn. Và cặp đôi An -Thomas mà tôi quen qua mạng cũng đã về Huế đón tuần trăng mật khi được hỗ trợ thông tin du lịch. Và GS.Ferguson, Johnson ở Trường Texas Tech cũng đã có kế hoạch đến thăm Huế.
Và thú vị biết bao khi rất nhiều người dân trong thành phố Lubbock, khi tình cờ gặp và nói chuyện về Việt Nam, họ đều ao ước về chuyến du lịch đến Việt Nam. Kể cả những người lính từng tham chiến tại Việt Nam bây giờ làm nghề lái xe bus hay giảng viên đại học. Khi được nghe về một Việt Nam thời hậu chiến đang phát triển không ngừng, ánh mắt họ đều ánh lên niềm vui với hy vọng được trở lại Việt Nam và làm điều gì đó ý nghĩa để lòng được nhẹ.
Trong thời đại lên ngôi của Internet và điện thoại thông minh, việc du hí khắp nơi bằng “vitual tour” (du lịch ảo), ăn bằng “home delivery” (giao hàng tận nơi), tìm hiểu văn hoá bằng “app” (ứng dụng thông minh) thì những sứ giả “chân thực” càng đáng trân trọng.
Mong rằng mỗi du khách hay sinh viên Việt Nam khi có cơ hội ra nước ngoài du lịch, công tác hay học tập với “trong tim là cả quê hương” đều thể hiện vai trò “sứ giả” trên mọi lĩnh vực. Khi đó hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tươi đẹp sẽ được mang đi xa...
PHAN QUỐC VINH