Theo thông tin chúng tôi thu thập được, năm 2003, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã đưa so đo cam (Spathodea Campanulata) (còn gọi là chuông đỏ, hồng kỳ, tulip châu Phi, uất kim hương châu Phi…) vào danh sách 100 loài sinh vật ngoại lai xâm hại gây hậu quả nghiêm trọng. Tác hại của loại cây này được nhiều nhà nghiên cứu cảnh báo tương tự như cây mai dương.
Cây so đo cam được trồng 2 bên đường Lý Thường Kiệt |
Một số nhà nghiên cứu cây xanh cho biết, so đo cam có hạt nhỏ, nhẹ và có cánh nên phát tán rất rộng. Cây con tái sinh từ hạt rất khỏe. Chỉ trong vòng 5 - 10 năm, từ một cây mẹ có thể tạo ra hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cây con cháu bằng con đường phát tán tự nhiên. Hiện nay, nhiều nước phát triển đã xem đây là loài cây xâm hại khó quản lý (Nhật bản, Hawaii, Fiji, Australia...).
Tại TP Huế, tuyến đường duy nhất được trồng so đo cam là đường Lý Thường Kiệt (năm 2011). So đo cam được chọn với lý do cây cho hoa đẹp. Hoa màu đỏ pha cam, nở rực rỡ vào mùa hè. Theo các cán bộ ở Trung tâm Công viên cây xanh Huế, so đo cam còn có ưu điểm là thân thẳng, tán lá xanh, ít rụng lá, ít sâu bọ. Cây trồng ở đô thị trong điều kiện đường và vỉa hè được bê tông hoá thì hạt cây rất khó phát tán và mọc bừa bãi.