Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Hải Minh, danh sách công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu sẽ tiếp tục được cân nhắc. Ảnh: Phan Thành

Hướng đến cấp nước an toàn 93,1% dân số

Mở đầu phiên chất vấn, trả lời vấn đề của đại biểu Trần Lưu Quốc Doãn về cấp nước cho vùng sâu vùng xa, ông Trương Công Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO) cho biết, sau gần 10 năm chuẩn bị, đến tháng 4/2018, HueWACO đã triển khai 3 gói thầu xây lắp để thực hiện giai đoạn 1 dự án thi công (700km) nhằm đảm bảo năng lực cấp nước, tăng áp lực nước toàn tỉnh, mở rộng cấp nước cho 31 xã, phường, trong đó có một số xã bãi ngang, ven biển. Các gói thầu với tổng kinh phí hơn 750 tỷ đồng, sẽ hoàn thành cuối năm 2019.

Về dự án cấp nước đầu tư công trung hạn, ông Nam cho rằng, toàn tỉnh có 8 vùng cấp nước nhưng có 3 vùng đặc biệt khó khăn không được vay vốn nước ngoài là Chân Mây, Nam Đông, A Lưới. Sau khi cổ phần hóa, công ty đã bổ sung 15 dự án với tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng, trong đó có vùng cấp nước Nam Đông và A Lưới. Dự kiến các hạng mục xây dựng nhà máy nước tại Nam Đông và A Lưới sẽ được tiến hành trong tháng này, nhằm nâng cao tỉ lệ hộ dân sử dụng nước sạch. Ông Nam khẳng định, với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, cùng với kinh nghiệm quản lý dự án, nguồn vốn vay ADB sẽ giúp cho việc xây dựng nhà máy nước Vạn Niên- Quảng Tế (120.000m3/ngđ) và 15 dự án khác thành công, giúp hạ tầng cấp nước của tỉnh đồng bộ, cấp nước an toàn cho trên 93,1% dân số toàn tỉnh vào năm 2020.

Giảm thiểu ô nhiễm tại nhà máy xử lý rác thải

Đại biểu Lưu Đức Hoàn nêu vấn đề ô nhiễm môi trường từ Nhà máy xử lý rác thải Thủy Phương và bãi chôn lấp rác Thủy Phương đã được cử tri thị xã Hương Thủy kiến nghị nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Trả lời vấn đề này, ông Phan Văn Thông, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, Nhà máy xử lý rác thải Thủy Phương ô nhiễm tại nhà máy phát sinh liên quan đến lượng rác đang tồn đọng trong khuôn viên Nhà máy. Hiện công ty đã tháo dỡ hệ thống lò đốt cũ và thay thế bằng lò đốt mới nhằm xử lý lượng rác tồn đọng. Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND TP. Huế tiến hành làm việc với Công ty để xử lý dứt điểm hiện trạng ô nhiễm theo kiến nghị của cử tri.

Đối với Bãi rác Thủy Phương, ông Thông cho biết, ô nhiễm môi trường do nước rỉ rác và mùi hôi từ nước rỉ rác làm ảnh hưởng đến dân cư. Công ty có đầu tư nghiên cứu thêm phần xử lý để tăng cường hiệu suất xử lý của hệ thống xử lý nước rỉ rác nhưng vẫn chưa đảm bảo xử lý đạt Quy chuẩn kỹ thuật quy định. Năm 2017, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Cải tạo bãi chôn lấp số 2 Thủy Phương, trong đó có đầu tư hạng mục nâng cấp hệ thống xử lý nước rỉ rác nhằm xử lý nước rỉ rác đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật trước khi thải ra môi trường.

Về lộ trình xây dựng nhà máy xử lý rác thải Phú Sơn có đảm bảo tiến độ hoàn thành trước khi hai nguồn thải trên đóng cửa, ông Thông cho biết, Dự án nhà máy xử lý rác thải Phú Sơn được UBND tỉnh giao cho Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị tỉnh làm đầu mối lựa chọn nhà đầu tư nhà máy xử lý rác thải Phú Sơn. Hiện nay, đang trong giai đoạn đánh giá các tiêu chí về phần công nghệ xử lý rác thải dự án Nhà máy xử lý rác thải Phú Sơn do nhà đầu tư đề xuất. Theo dự kiến, quý 4/2018 sẽ triển khai và cuối năm 2020 dự án hoàn thành và đưa vào hoạt động.

Nói thêm về vấn đề ô nhiễm rác thải, ông Lê Trường Lưu cho rằng, rác thải và ô nhiễm môi trường là vấn đề lớn, được cử tri đặc biệt quan tâm. Để xử lý dứt điểm vấn đề này, cần huy động nhiều nguồn lực. Đề nghị sở TNMT và TP. Huế quan tâm giám sát xử lý, tránh gây ô nhiễm. Đồng thời quan tâm phân loại rác thải từ nguồn.

 

Công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu không dừng lại con số 27

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh về việc UBND tỉnh đã có quyết định công bố 27 kiến trúc Pháp tiêu biểu tại TP. Huế để tạo cơ sở, định hướng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị, cảnh quan kiến trúc. Đây là điều dư luận đang rất quan tâm và hiện đang có nhiều ý kiến khác nhau về kiến trúc và số lượng ở loại hình này, đề nghị UBND tỉnh cho biết các tiêu chí của việc rà soát này? Thừa ủy nhiệm của UBND tỉnh, Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Hải Minh cho biết, ngày 30/5/2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về danh mục thống kê các công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu trên địa bàn TP. Huế. Xếp loại kiến trúc tiêu biểu dựa trên 5 tiêu chí về công trình có giá trị về kiến trúc, nghệ thuật; công trình có giá trị lịch sử; chất lượng hiện trạng công trình; công trình đảm bảo sử dụng, khả năng an toàn cho việc tiếp tục sử dụng; công trình đảm bảo phù hợp, cảnh quan khu vực, quy hoạch không gian được phê duyệt. Việc thống kê các danh mục công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu đã được UBND tỉnh ban hành làm cơ sở bước đầu để đánh giá về chất lượng công trình, hiện trạng sử dụng, khả năng an toàn sử dụng… nhằm định hướng cho việc bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật kiến trúc. Ngoài ra, trong danh mục này có một số công trình có giá trị kiến trúc nghệ thuật và ảnh hưởng không gian đô thị để định hướng phát huy giá trị kiến trúc.

Thời gian tiếp theo, tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch kêu gọi đầu tư từ nhiều nguồn lực từ xã hội hóa, hỗ trợ từ ngân sách địa phương. Danh sách công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu không dừng lại 27 công trình, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với UBND thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu rà soát, bổ sung danh mục các công trình trên trong thời gian tới.

Về câu hỏi định hướng quy hoạch phát triển tuyến Lê Lợi từ cầu Trường Tiền đến cầu Phú Xuân, ông Hoàng Hải Minh cho biết, theo quy hoạch, định hướng trục đường Lê Lợi là trục không gian gắn kết các kiến trúc Pháp đặc trưng với cảnh quan ven sông Hương. Hạn chế xây dựng công trình mới ở phía Bắc trục đường. Khu vực phía Nam trục đường khuyến khích xây dựng các công trình dịch vụ du lịch với quy mô hình thức kiến trúc thích hợp. Định hướng khu vực dọc theo đường Lê Lợi được xác định là không gian văn hóa, nghệ thuật, là khu vực điểm nhấn về không gian đô thị, phát huy các giá trị về văn hóa nghệ thuật, điểm đến cho du khách và người dân địa phương. Khu vực này sẽ khai thác triệt để các không gian hiện có, kết hợp không gian đi bộ, triển khai dự án cầu đi bộ trên sông Hương, quản lý nghiêm ngặt về các chỉ tiêu kiến trúc đô thị...

Thái Sơn