Có lẽ tôi đã đồng ý kết bạn với em, ngày một chú ý đến em hơn bởi hầu hết nội dung em đăng trên “tường nhà” là thông tin, cầu nối và thực hiện các công việc thiện nguyện. Đó là, đều đặn mỗi tháng 2 lần em cùng những tình nguyện viên khác chuẩn bị nguyên vật liệu, nấu nướng, tặng cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Giao thông Vận tải (Bệnh viện đường sắt). Em kết nối rồi đích thân đến nhận hỗ trợ của các nhà hảo tâm, chia sẻ với những trường hợp bệnh nhân mang bệnh hiểm nghèo hoàn cảnh già cả đơn côi khó khăn cùng cực. Lần đầu tiên, nhờ em đến nơi tôi làm việc nhận khoản tiền nhỏ tôi gửi tặng cụ già neo đơn bệnh nặng, tôi đã bất ngờ bởi người thanh niên tuổi còn rất trẻ nhưng lại phải đi trên chiếc xe 3 bánh. Thì ra em là người khuyết tật. Nhưng gương mặt em lại rạng rỡ và ánh lên vẻ biết ơn khi nhận từ tôi món tiền nhỏ. Em cảm ơn bằng lời nói và cả nụ cười, tranh thủ còn đến thêm mấy địa chỉ nữa kịp trong buổi sáng hôm nay, để thời gian buổi chiều em làm hàng mã, công việc mưu sinh thường ngày của em.

Tôi biết, làm cầu nối cho những hỗ trợ, sẻ chia không chỉ cần tấm lòng tận tâm mà còn cần bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức. Trực tiếp mang sự hỗ trợ “gom” từ nhiều nhà hảo tâm đến tận tay người nhận cũng cần tấm lòng tận tâm và thời gian, công sức như vậy, bởi người được giúp đỡ có thể ở những địa bàn rất xa, có thể tận A Lưới, Phú Lộc, Phong Điền… Có đôi khi trong công tác, tôi đại diện Báo Thừa Thiên Huế, nhận nhiệm vụ chuyển hỗ trợ của bạn đọc đến những địa chỉ cần giúp đỡ xa xôi như thế, chạy xe máy đi về cũng “bở hơi tai”, 1 chuyến có lúc mất 3-4 tiếng đồng hồ. Vậy mà em… Tôi nhìn theo chiếc xe 3 bánh mang theo em hòa vào dòng người trên dường phố, lòng chợt dâng lên niềm cảm phục.

Thời gian trôi qua, dần dần tôi hiểu nhiều hơn về em, được biết em tuy có cha mẹ nhưng cha mẹ bỏ nhau và bỏ rơi luôn hai chị em em. Hai chị em được bà nội nuôi nấng trong thiếu thốn triền miên về vật chất, nhưng dào dạt tình yêu thương. Chị em bệnh tật. Bản thân em cũng mang nhiều bệnh, mất một chân, nhưng bây giờ là bờ vai cho người chị tựa vào, bằng công việc làm hàng mã ấy và bằng tất cả cố gắng, nghị lực, tình yêu thương được nuôi dưỡng từ những tháng ngày cơ cực. Cố gắng, nghị lực và tấm lòng yêu thương của em còn là “bờ vai” cho những cảnh đời kém may mắn, để ai đó được ấm lòng và thấy cuộc sống là đáng yêu đáng sống.

Đôi khi sau những phút chán chường hay mệt mỏi, tôi lại giật mình tự trách. Bởi trong cuộc đời có những người như em, thiệt thòi, kém may mắn rất nhiều, nhưng vẫn lạc quan vươn lên sống có ích, “gieo” ấm áp yêu thương…

Quỳnh Anh