Tại Philippines, kế hoạch cơ sở hạ tầng của Tổng thống Duterte đang được tiến hành với 75 dự án khác nhau, chi phí ước tính lên đến 180 tỷ USD. Ở Indonesia, một hệ thống đường sắt cao tốc dài 140 km nối Jakarta với Bandung cũng đang được xây dựng. Malaysia và Singapore đang hợp tác về một dự án đường sắt cao tốc giúp giảm thời gian đi lại giữa hai quốc gia. Theo đó, nếu tất cả các dự án cơ sở hạ tầng này được hoàn thành trong thập kỷ tới, khu vực ASEAN có thể sẽ trở thành một khối các quốc gia phát triển.

 Nhu cầu cơ sở hạ tầng ở các nước ASEAN đang tăng nhanh chóng. Ảnh: Asiaone

Mặc dù đang có nhiều dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ như vậy nhưng nhu cầu về mảng này vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục gia tăng trong khu vực.

Một báo cáo về cơ hội hạ tầng ASEAN cho rằng, động lực thúc đẩy nhu cầu về cơ sở hạ tầng này chính là nền kinh tế đang phát triển của khu vực. Đông Nam Á đã phát triển nhanh chóng trong 5 năm qua. GDP của khu vực đạt 2,4 nghìn tỷ USD và dự kiến ​​sẽ tăng thêm trong tương lai. Theo ASEAN Post,  Đông Nam Á là nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới và dự báo sẽ nhảy vọt lên vị trí thứ 4 vào năm 2050.

Theo Hội đồng Doanh nghiệp EU-ASEAN, đây là chu kỳ tăng trưởng nhu cầu tự nhiên. Tăng trưởng kinh tế dẫn đến gia tăng nhu cầu cơ sở hạ tầng, và cơ sở hạ tầng được cải thiện dẫn đến kinh tế tăng trưởng mạnh hơn.

Do nhu cầu về cơ sở hạ tầng dự kiến ​​sẽ tăng theo cấp số nhân, chính phủ và các tổ chức ở những nước này cần chuẩn bị lộ trình về cách tài trợ cho các dự án đó. Báo cáo “Đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng ở châu Á” của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết, các nước ASEAN sẽ cần khoảng 3.000 tỷ USD để đầu tư vào cơ sở hạ tầng năm 2016 đến năm 2030.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ The ASEAN Post)