Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là vấn đề không còn mới, được nhiều địa phương triển khai, bước đầu đạt được những thành công nhất định. Chẳng hạn như mô hình liên kết giữa Công ty TNHH MTV Nông sản hữu cơ Quế Lâm với nông dân Phú Vang, Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) sản xuất giống lúa hữu cơ, tạo ra thương hiệu gạo có giá trị cao, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân… Tuy nhiên, trong thực trạng chung của nhiều địa phương, sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp vào chuỗi sản xuất hàng hóa vẫn còn nhiều hạn chế. Đây là nguyên nhân xảy ra tình trạng sản xuất theo phong trào, thiếu định hướng, sản phẩm thu hoạch chủ yếu phụ thuộc vào thương lái, giá cả bấp bênh…

Điều đáng nói hơn là cơ chế ràng buộc trong ký kết, đầu tư, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với nông dân chưa thật sự đảm bảo, nên không ít trường hợp doanh nghiệp “bỏ của chạy lấy người”, thậm chí là lừa đảo, đẩy nông dân vào tình thế điêu đứng. Chuyện liên kết sản xuất với tiêu thụ giữa Công ty Tafishco và người nuôi cá ở An Giang, sau khi giám đốc công ty này ôm hơn 80 tỷ đồng bỏ đi nước ngoài, để lại gánh nợ ngân hàng cho người dân, gây bức xúc dư luận thời gian qua; hay chuyện Công ty Thiên An liên kết với nông dân Phong Điền trồng ớt, đến vụ thu hoạch thì không thu mua, hồi tháng 5 vừa qua; và rất nhiều chiêu trò khác xảy ra ở nhiều địa phương… là những bài học đắt giá trong liên kết trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Nghị định 98/2018/CĐ-CP, ngoài chính sách hỗ trợ như: hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết, hạ tầng phục vụ liên kết; hỗ trợ khuyến nông, đào tạo, tập huấn… còn quy định nghĩa vụ của các bên tham gia liên kết như: cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin liên quan đến hợp đồng, dự án liên kết cho các bên tham gia liên kết khi được yêu cầu; thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung cam kết của hợp đồng, dự án liên kết; tuân thủ các quy định của Nhà nước về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ môi trường, sức khỏe con người, cây trồng, vật nuôi trong quá trình thực hiện hợp đồng liên kết; đảm bảo đúng quyền lợi và trách nhiệm của các bên tham gia liên kết theo quy định pháp luật hiện hành; các bên tham gia liên kết có nghĩa vụ trao đổi, thương lượng và thống nhất giải quyết nhằm chia sẻ những khó khăn và rủi ro bất khả kháng trong quá trình thực hiện hợp đồng liên kết…

Cùng với cả nước, Thừa Thiên Huế đang thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016- 2020 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, xác định tập trung vào tái cơ cấu các lĩnh vực chính là trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, ngành nghề nông thôn... Quan điểm chung về tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp là phải liên kết được giữa sản xuất  gắn với tiêu thụ nông sản, để phát triển mạnh các loại hình kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao…

Nghị định 98/2018/NĐ-CP ra đời được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện tốt hơn trong phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Điều quan trọng là cần có cơ chế ràng buộc chặt chẽ trong liên kết giữa các bên, để nông dân yên tâm sản xuất, nhằm nâng cao hơn giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần vào sự tăng trưởng chung của cả nước.

Đặng Thành