Kem bây giờ thì đủ loại, đủ mùi, đủ hãng, từ kem cây, ốc quế cho đến kem hộp, hũ, ly, từ sầu riêng, dừa cho đến dâu, đậu xanh, việt quất, sữa chua... Nhưng thế hệ 8x đời đầu trở về trước, cái thời vẫn còn nhà ăn cơm độn thì kem là thứ quà xa xỉ. Mà kem hồi đó thành phần chỉ là nước đường, màu cùng vài ba hột đậu xanh đậu đỏ dính lưa thưa trên đầu que kem, tất cả được đông thành đá, thế thôi. Vậy mà ngon, mà thèm, mà khao khát trưa hè mỗi khi nghe tiếng lanh canh phát ra từ cái chuông đồng nho nhỏ vang lên trong ngõ nắng.

Thứ kem đó lũ trẻ tụi mình gọi là cà rem. Nó rẻ thôi, nhưng không phải khi nào và đứa nào cũng mua được.

Kem cắt thì sang hơn, nó dài, hình trụ, màu trắng đục, thơm béo vị cốt dừa thoang thoảng hương sữa chứ không mỗi nước đường, màu đông thành đá như cà rem.

Đã nói cà rem, kem cắt là thứ quà xa xỉ với lũ trẻ thời bấy giờ nên đứa có tiền mua kem thì sung sướng, hãnh diện khỏi phải bàn. Trước đó, đang tụm năm tụm ba với nhau, đứa chuẩn bị mua kem thì trong đầu suy tính đứa nào thân đứa nào ít thân, đứa nào hôm trước cho mình kẹo đứa nào không để rồi nên cho đứa nào mút, đứa nào được cắn... Lúc mua, cả đứa có tiền lẫn không có tiền đều cố đứng sát thùng kem, cái bụng ong ỏng đen nhẻm áp vào thùng như để tìm thêm chút hơi lạnh giữa trưa hè bỏng rát.

Lúc ăn, hình như đứa nào cũng như đứa nào, luôn tồn tại 2 trạng thái cực kỳ mâu thuẫn. Ăn nhanh thì mau hết, sợ tụi bạn nói keo kiệt. Nhưng ăn chậm thì kem chảy nước, có khi mới được nửa cây kem đã gục đầu rồi rơi xuống đất trong ánh mắt ngẩn ngơ, tiếc rẻ. Mà không phải ngày nào cà rem, kem cắt cũng ngang qua xóm nhỏ. Cái thời thiếu thốn, chắc hẳn mấy chú bán kem cũng hiểu không phải khi nào lũ trẻ nít cũng có tiền để mua.

Khi “biết” ăn cà rem, kem cắt mình siêng xung phong... đi chợ. Thay vì tót lên xe đạp ra chợ mình lại cuốc bộ, giữa đường gặp người quen thì xin đi nhờ. Tiền gửi xe đạp để mua kem. Hết đi chợ lại xoay qua nhổ tóc bạc “thuê” cho ngoại, rồi cùng mấy đứa bạn lân la vườn nhà mót ni lông, dây đồng, sắt vụn... để rồi sau tiếng rao chai bao đi khuất là cả lũ hớn hở đợi chờ tiếng lanh canh mát lạnh giữa trưa hè.

Thật ra hồi đó Huế có kem bưu điện cũng rất nổi tiếng. Không biết người ngoài vào thuê bán hay kem do các cô các chú ở bưu điện làm. Chỉ biết kem bán ở khuôn viên bưu điện nên có tên kem bưu điện. Kem bưu điện ngon, béo hơn và tất nhiên đắt hơn. Mình nhớ chỉ được ăn hai, ba lần, mỗi lần 2 cây. Ông ngoại hứa tháng mô có bảng danh dự là thưởng, cho ăn kem bưu điện. Thời cấp một, bảng danh dự kiểu như để đánh giá học lực hàng tháng của học sinh, ai học giỏi, đứng thứ nhất, nhì của lớp mới được phát, được biểu dương trước lớp.

Một thời gian sau mình biết đến kem ký. Cũng chẳng nhớ khi đó kem ký mới xuất hiện hay khi đó nhà mình mới có tiền cho con ăn kem ký. Kem ký đắt hơn kem bưu điện, được bỏ trong tủ đông, khi bán chủ quán thường xắn ra thành từng khoanh vuông rồi đặt lên cân tùy theo trọng lượng khách mua. Ngoài nhiều mùi, nhiều màu hơn thì khi bỏ ra dĩa ăn, kem ký còn được rắc thêm sữa đặc, đậu phụng rang và dừa rim beo béo, ngọt lịm.

Nói chung kem ký là thứ quà vặt siêu sang của lũ trẻ và thường chỉ được ăn cùng người lớn. Đứa nào được ăn thì y như rằng mai đến lớp kiểu chi cũng có chuyện để kể, để khoe. Nhưng với mình, dư vị của nó cũng “thoang thoảng” như kem bưu điện, và mình vẫn cứ thèm cà rem, kem cắt...

Lê Trang