Hơn 120 khách hàng tham gia đấu giá đất khu quy hoạch thôn Chiết Bi, Phú Thượng
Sự việc sẽ không gây tranh cãi và mất gần 2 tiếng đồng hồ nếu trước khi bắt đầu phiên đấu giá, đơn vị tổ chức đấu giá là Chi nhánh Công ty cổ phần Tư vấn dịch vụ về tài sản - bất động sản DATC tại TP. Huế (được Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Phú Vang thuê đứng ra thực hiện cuộc bán đấu giá) (gọi tắt là ĐVĐG) thông báo chỉ đấu giá 35 lô và để lại 8 lô đất, gồm ký hiệu số: 416, 417, 418, 422, 511, 512, 514 và 515. Lý do đưa ra là tùy vào số lượng người tham gia đấu giá để điều chỉnh số lô cần đấu từ 43 lô xuống còn 35 lô cho phù hợp. Đúng là khi lật lại thông báo đấu giá đất của ĐVĐG, phần nội dung có câu: “Tùy theo số lượng người tham gia đấu giá mà chủ tài sản xin ý kiến UBND huyện Phú Vang đưa ra lượng tài sản đấu giá cho phù hợp”.
Đem nội dung câu được ghi trong thông báo đấu giá đất của ĐVĐG trao đổi với một số người có thâm niên trong ngành quản lý đất đai, đấu giá tài sản và tham vấn ý kiến của lãnh đạo một số trung tâm phát triển quỹ đất cấp huyện, tỉnh, tất cả đều cho rằng nếu căn cứ theo Luật Đấu giá tài sản, quyết định ban hành quy chế đấu giá quyền sử dụng đất của UBND tỉnh, phương án đấu giá quỹ đất cần bán… thì câu này hoàn toàn sai quy định. Theo nguyên tắc, việc tạm dừng cuộc đấu chỉ được phép xảy ra trong trường hợp bất khả kháng, hay trường hợp trước khi gần đấu có kiện tụng do vướng mặt bằng hoặc do quy hoạch không phù hợp (nếu rà soát đúng như vậy), còn bất kỳ lý do nào đều không hợp pháp. Đã thông báo số lô đất cần bán đấu giá, ĐVĐG phải tổ chức đưa ra đấu hết, đấu công khai, minh bạch.
Trao đổi với ông Dương Bá Tám, Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh Công ty cổ phần Tư vấn dịch vụ về tài sản - bất động sản DATC tại TP. Huế, ông Tám chỉ trả lời ngắn gọn: “Đơn vị chỉ được thuê thực hiện cuộc bán đấu giá. Còn thông báo đấu giá phải được chủ tài sản đồng ý mới có thể thông báo công khai”. Còn qua tìm hiểu về những thông báo đấu giá đất của các cuộc đấu giá khác được tổ chức ở TP. Huế, thị xã Hương Thủy…, không một thông báo nào có kèm nội dung “vô lý” trên. Nhiều người cho rằng, đây là câu “ma mãnh”, không hợp pháp.
Ngay tại phiên đấu, một khách hàng có ý kiến: “Qua những lần tham gia đấu đất, tôi chưa từng thấy nơi nào có cách làm “kỳ quái”, “mập mờ” như ở Phú Vang”. Một khách hàng khác bức xúc: "Vừa không chuyên nghiệp, vừa quá xem thường người dân và không hiểu mục đích của việc để lại 8 lô đất này là gì. Dù đã kịp thời sửa sai từ phản ứng quyết liệt của người dân, nhưng tôi cho rằng sự việc này cần phải được xử lý đúng người đúng việc. Nếu không chấn chỉnh, không chỉ người dân chịu thiệt thòi mà Nhà nước cũng thất thu".
Việc ĐVĐG “chỉ định” để lại một vài lô như thế này không phải chỉ mới xảy ra lần đầu. Anh N.Đ.N kể: “Trong lần tham đấu giá đất ở xã Phú Thanh, ĐVĐG phải tổ chức 2 phiên đấu tại một khu quy hoạch được thông báo bán đấu giá. Trong phiên đấu lần 2, ĐVĐG cũng thông báo để lại một số lô với lý do để bố trí tái định cư, đất ở cho người dân địa phương. Thay vì đã có ý định chọn mua lô đất nào trước khi nộp hồ sơ, tiền cọc để tham gia đấu giá, vợ chồng tôi đành phải mất công chờ hết cuộc đấu để nhận lại tiền cọc”.
Nếu theo ý kiến chủ quan của ông Lê Văn Tưởng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Vang, bất cứ cuộc đấu nào, nếu tính toán số lượng đăng ký đấu giá và tùy tình hình diễn tiến cuộc đấu, ĐVĐG có quyền điều chỉnh số lô đấu phù hợp với thời lượng lại càng lộ rõ sự phi lý và thiếu minh bạch. Ngay khi cuộc đấu giá chưa bắt đầu, tại sao ĐVĐG đã chỉ định cụ thể ký hiệu 8 lô không đấu tại phiên đấu giá ngày hôm đó?
Rõ nhất là trong ngày diễn ra cuộc đấu 12/7, đúng 16 giờ 3 phút, 43 lô đất đã được bán hoàn tất; trong đó, 8 lô (có diện tích từ 150- 179m2/lô) dự định để lại được đưa ra đấu giá đã nâng từ mức giá khởi điểm là 2,5 - 3,0 triệu đồng/m2, tuỳ lô lên mức giá gần gấp đôi hoặc hơn gấp đôi mỗi m2, thu về cho Nhà nước thêm gần 4 tỷ đồng.
Đặt câu hỏi nếu 8 lô đất để lại “trót lọt” sẽ được xử lý thế nào? Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Vang giải thích, những lô để lại vẫn sẽ được tổ chức bán nếu khách hàng có nhu cầu đăng ký đấu giá. Điều này càng không những trái quy định, quy chế, Luật Đấu giá tài sản… mà còn tốn thêm thời gian, tiền của của Nhà nước khi phải tổ chức thêm phiên đấu khác và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người có nhu cầu đấu giá.
Mặc dù ông Trần Thanh Long, Phó Chủ tịch UBND huyện, đã có mặt kịp thời tại hội trường phiên đấu giá ngay sau đó để giải thích, đối thoại với khách hàng tham gia đấu giá, đồng thời thay mặt nhận khuyết điểm về việc ĐVĐG đã thông báo không rõ ràng, gây hiểu nhầm cho khách hàng; tuy nhiên, qua sự việc này, nhiều người cho rằng cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh để không xảy ra tình trạng tương tự.
Từ sự việc này, nên chăng để đảm bảo sự minh bạch trong đấu giá đất được tổ chức ở các địa phương, ngoài thuê đơn vị tổ chức đấu giá cùng với Trung tâm phát triển quỹ đất - đại diện chủ tài sản tham gia giám sát, tại mỗi phiên đấu giá cần thành lập hội đồng giám sát độc lập cấp cao hơn để giám sát, chỉ đạo từ việc tổ chức phiên đấu cho đến khi đấu giá hoàn tất số lượng tài sản theo phương án đã được phê duyệt để đảm bảo kỷ luật và kịp thời xử lý khi có dấu hiệu thiếu minh bạch, lạm quyền. Cuộc chơi đòi hỏi phải công bằng, người tham gia đấu giá nếu sai thì bị xử lý như bị tước quyền đấu giá, mất tiền đặt cọc... Còn nếu đơn vị tổ chức đấu giá làm sai quy định cũng phải xử lý tuỳ mức độ vi phạm để đảm bảo công bằng, dân chủ.
Ông Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh: Việc chủ quan dừng đấu số lô đất như đã thông báo rõ ràng là việc làm không minh bạch, sai quy định. Theo quy định, tất cả mọi thông tin phải được công khai và thực hiện theo đúng phương án đấu giá đã được phê duyệt. Lý do ĐVĐG nêu trên không thể làm căn cứ và cũng không thể thông báo “miệng” việc chỉ cho đấu 35/43 lô đất trước giờ đấu giá. Liên quan đến sự việc này, UBND cấp huyện cần chỉ đạo đơn vị tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, cụ thể là Trung tâm Phát triển quỹ đất nghiêm túc chấn chỉnh, làm đúng theo phương án đấu giá đã được thông báo công khai và Luật đấu giá tài sản. Người tham gia đấu giá nếu sai thì bị xử lý như không cho tham gia đấu giá, tước quyền đấu giá, mất tiền đặt cọc..., còn việc chính quyền làm sai quy định cũng phải xử lý tuỳ mức độ vi phạm để đảm bảo dân chủ, công khai minh bạch. |
Bài, ảnh: Hoài Thương