Tuyến đường Nguyễn Chí Thanh nối từ huyện Quảng Điền đến TP. Huế được đầu tư xây dựng cách đây mấy năm mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế, xã hội của huyện Quảng Điền.

Thi công nạo vét bùn để đổ đất

Khi chưa có tuyến đường này, người dân đi lại rất khó khăn, du khách về vùng đầm phá, ven biển Quảng Điền chưa nhiều. Các hoạt động giao thương, đi lại giữa huyện này với TP. Huế phải qua tuyến Tỉnh lộ 11A dài hơn 30km. Từ khi đường Nguyễn Chí Thanh được nâng cấp mở rộng đã rút ngắn khoảng cách giữa địa phương với Huế chỉ còn 15km, nếu tính từ cầu Bạch Yến chỉ 12km.

Chủ quầy hàng tạp hóa tại Trung tâm Thương mại huyện Quảng Điền, chị Trần Thị Hồng bày tỏ: “Từ khi tuyến đường Nguyễn Chí Thanh được nâng cấp, tạo thuận lợi đối với người dân trong việc đi lại, nhất là các hoạt động kinh doanh, buôn bán. Mỗi khi hết hàng, các chủ quầy không còn quá lo lắng như trước. Người dân có nhu cầu mua sắm các nhu yếu phẩm, vật dụng gia đình cũng rất thuận lợi. Nhiều học sinh, sinh viên giờ đây không cần phải thuê nhà trọ ở để học mà chỉ cần đi về trong ngày, thậm chí trong buổi”.

Tuy nhiên, trên tuyến đường vẫn còn đoạn nối từ cầu Niêm Phò đến thị trấn Sịa vẫn chưa được nâng cấp mở rộng, ảnh hưởng đến quá trình đi lại, sinh sống của người dân Quảng Điền. Ngày 11/8/2017, UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt dự án chỉnh trang đường Nguyễn Chí Thanh với đoạn đường còn lại, do Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng khu vực huyện Quảng Điền làm chủ đầu tư với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng.

Ông La Quốc Vĩnh Huy, Giám đốc Ban Điều hành dự án với đoạn đường còn lại (từ cầu Niêm Phò đến thị trấn Sịa) thuộc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng khu vực huyện Quảng Điền thông tin, đoạn đường có chiều dài gần 3km, tính từ cổng vào nhà lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đến thị trấn Sịa; quy mô mặt đường rộng 7m, nền đường rộng 12m, thảm nhựa. Công trình trên tuyến có quy mô, kết cấu vĩnh cửu, tải trọng HL93.

Lu đất hoàn thành trước lũ

Từ đầu năm 2018, chủ đầu tư tiến hành triển khai các bước đền bù, giải phóng mặt bằng và tổ chức thi công các hạng mục quan trọng. Ông Trương Văn Lợi, Giám đốc Công ty TNHH Bảo Thái-một trong những đơn vị thi công đoạn đường này cho biết, sau gần 7 tháng thi công, đến nay các hạng mục được xem là “trọng yếu” cơ bản hoàn thành. Hầu như ngày nào trên công trường cũng có 10-15 công nhân và các trang thiết bị máy móc thi công, phấn đấu hoàn thành toàn bộ phần mở rộng, đổ đất, lu đất, các hạng mục trên tuyến hoàn thành trước mùa mưa lũ nhằm tránh thiệt hại.

Theo ông Huy, tranh thủ thời tiết thuận lợi, các đơn thi công đang tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạng mục, phấn đấu phần đổ đất, lu đất và các cống thoát nước, các hạng mục trên tuyến hoàn thành trước mùa mưa lũ. Khó khăn lớn nhất đối với chủ đầu tư và các nhà thầu thi công là nguồn kinh phí đầu tư cấp rất ít, từ đầu năm nay đến nay mới cấp khoảng 4 tỷ đồng, chỉ thi công phần đổ đất, lu đất… Trong khi kế hoạch dự án được triển khai trong 3 năm thì việc đến nay mới cấp 4 tỷ đồng là quá chậm, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công. Ông Huy mong rằng, cấp trên cần quan tâm tăng cường cấp vốn, đảm bảo cho chủ đầu tư, các đơn vị triển khai thi công công trình đảm bảo đúng tiến độ, đặc biệt là các hạng mục phải hoàn thành trước mùa mưa lũ nhằm tránh thiệt hại.

Theo quy trình, kỹ thuật, đoạn đường từ cầu Niêm Phò đến thị trấn Sịa được xây dựng đảm bảo nền đường đất đầm chặt K95-K98. Ngoài phạm vi mặt đường cũ, đường mới sẽ được thảm lớp bê tông nhựa hạt trung dày 5cm, móng bù cấp phối đá dăm hoặc bê tông nhựa. Hệ thống thoát nước trên tuyến được xây mới và nối các cống ngang đảm bảo khả năng thoát nước; bố trí hệ thống an toàn giao thông theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ: QCVN 41:2012/BGTVT.

Bài, ảnh: Hoàng Triều