Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đã không “an toàn, nghiêm túc và thành công tốt đẹp” giống như báo cáo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tại hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 khi sai phạm trong công tác chấm thi ở Hà Giang bị phanh phui.

Người dân cả nước bàng hoàng, phẫn nộ, hàng triệu thí sinh và phụ huynh bị tổn thương, mất niềm tin khi chứng kiến sự gian lận trắng trợn, táo tợn chưa từng có trong lịch sử kỳ thi quốc gia.

Dư luận đòi hỏi các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm theo pháp luật những cá nhân sai phạm và xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân để xảy ra vụ việc này. Dư luận cũng đòi hỏi phải rà soát, thẩm định lại cả những kỳ thi THPT quốc gia trước đó ở Hà Giang. Hơn thế, không chỉ Hà Giang, dư luận mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với Bộ Công an tiếp tục kiểm tra ở các địa phương khác đang bị nghi ngờ có tiêu cực, thậm chí, thẩm định lại toàn bộ bài thi của gần 1 triệu thí sinh trong cả nước.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Ảnh: Bích Lan

Bắt đầu thực hiện từ năm 2015, qua mỗi lần tổ chức kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1”, Bộ GD-ĐT đã liên tục có các điều chỉnh, thay đổi trên cơ sở lắng nghe ý kiến của các chuyên gia và dư luận xã hội. Kỳ thi “2 trong 1” này đã được nhiều người ủng hộ vì giảm áp lực phải thi nhiều cho học sinh. Việc thi tại địa phương giúp phụ huynh, học sinh đỡ mệt mỏi khi phải di chuyển về các thành phố tìm thuê chỗ trọ, lo lắng chuyện ăn uống. Kinh phí của từng gia đình và toàn xã hội dành cho kỳ thi này ít hơn so với những kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng trước đây…Nói như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thì đây là một kỳ thi “nhẹ nhàng”.

Tuy nhiên, vụ gian lận chấm thi chấn động ở Hà Giang đã lộ ra những kẽ hở, những điểm chưa chặt chẽ, chưa hợp lý ở kỳ thi quốc gia này. Việc giao cho địa phương coi thi, chấm thi…là mấu chốt dễ xảy ra tiêu cực, gian lận cho dù đã có sự phối hợp với các trường đại học và thanh tra Bộ. Bởi không thể trông chờ vào đạo đức công vụ, vào sự liêm chính của cán bộ, giám thị ở địa phương khi bệnh thành tích hiện nay còn quá nặng nề.

Từ vụ bê bối này, Bộ GD-ĐT cần phải nghiêm túc xem xét lại toàn bộ các khâu từ tổ chức thi, coi thi, chấm thi, ra đề thi…để rút kinh nghiệm và điều chỉnh trong những kỳ thi sau. Bộ GD-ĐT cũng cần lắng nghe dư luận xã hội, tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn để đánh giá lại toàn bộ mặt được và chưa được của kỳ thi “2 trong 1” này. Thậm chí, có thể xem xét lại đề xuất tách kỳ thi này ra của ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM từng nêu ra trong hội nghị tổng kết của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào ngày 21/8/2017.

Theo VOV