Còn nhớ năm nào cũng vào mùa Vu Lan, tôi đã xúc động khi được cài hoa hồng trên áo, tôi đã đem về tặng mẹ để mẹ biết là con kính yêu và hân hoan xiết bao khi còn mẹ trên đời, trên tay mân mê cuốn sách “Bông hồng cài áo” của nhà sư Nhất Hạnh “ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc”. Đã hơn mười năm trôi qua, tôi chỉ còn nhận hoa hồng trắng vì mẹ không còn trên trần thế.

Theo đạo Phật, lễ Vu Lan là ngày nhớ công ơn cha mẹ, là người Việt Nam. Công sinh dưỡng của cha mẹ là vô tận. Mỗi người sinh ra và trưởng thành, đối với cha mẹ bao giờ cũng là niềm tự hào đồng thời là kết quả của những nỗ lực vượt qua bao nhiêu khó khăn vật chất - tinh thần. Công cha - nghĩa mẹ thấm sâu vào mỗi con người, mỗi gia đình, dòng họ, thấm sâu vào nền nếp sinh hoạt của cộng đồng, nên phải ứng xử sao cho xứng đáng.
 
Mỗi năm cứ gần đến ngày trăng tròn tháng 7 âm lịch và cũng là cuối mùa hạ, bắt đầu sang thu, lá vàng rụng xuống, lá xanh trồi lên, bông hoa lá bắt đầu chớm nở, sau một mùa oi bức nóng nực của cái nắng mùa hè xứ Huế. Thời tiết thay đổi, lòng người cũng đổi thay để chuẩn bị lễ Vu Lan, đó là mùa báo ân cha mẹ, lễ Vu Lan đã truyền lại từ ngàn xưa có Đức Mục Kiền Liên là tiêu biểu, gương mẫu, suốt cả nghìn đời mà Đức Phật đã để lại cho hàng Phật Tử lấy đó làm gương noi theo. Nhưng bây giờ ngày lễ Vu Lan không còn là một đặc thù riêng của người Phật Tử, mà là nghĩa vụ thiêng liêng của mọi người. Tình thương của cha mẹ đối với con là thứ tình thương yêu tuyệt vời, không bút nào tả xiết, không có bất cứ tình thương nào trên cõi đời này có thể so sánh được. Báo hiếu cha mẹ chính là nghĩa vụ cao quý, thiêng liêng nhất, mà không nghĩa vụ nào bằng.
 
Lại mùa Vu Lan trên đất Huế, quê hương của chùa chiền lễ hội, đi trên mọi nẻo đường từ sáng đến tối văng vẳng bên tai đâu đây tiếng chuông chùa ngân lên.

Hà My