Hoạt động vận chuyện khí đốt của Nga tới EU thông qua Ukraine đã mang lại lợi nhuận lớn cho Ukraine.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai quốc gia này đã xấu đi trong những năm qua cũng ảnh hưởng hoạt động vận chuyển này.
Đặc biệt, căng thẳng giữa hai nước cũng gia tăng liên quan đến dự án khí đốt "Dòng chảy phương Bắc 2" sẽ được vận hành vào cuối năm 2019, vận chuyển khí đốt từ Nga tới Đức và không qua Ukraine.
Ukraine phản đối kế hoạch này do lo ngại mất doanh thu từ quá cảnh khí đốt của Nga. Trong khi đó, Mỹ cũng không ủng hộ dự án trên, đồng thời thúc đẩy tham vọng xuất khẩu khí hóa lỏng sang châu Âu.
Đức, nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU), từ lâu luôn khẳng định đường ống dẫn khí trên chỉ là một dự án "thương mại" đơn thuần và hồi tháng Ba vừa qua đã gỡ bỏ các rào cản cuối cùng mở đường cho việc xây dựng dự án này.
Tuy nhiên, dưới sức ép từ các đồng minh phương Tây, Thủ tướng Đức Angela Merkel hồi tháng Tư năm nay đã nhấn mạnh rằng không được cô lập Ukraine và quốc gia Đông Âu này nên tiếp tục đóng vai trò then chốt trong hoạt động vận chuyển khí đốt tới châu Âu.
Nhằm giải tỏa những lo ngại trên của Ukraine và tìm kiếm một giải pháp, Phó Chủ tịch EC Sefcovic đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak và Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin tại thủ đô Berlin của Đức.
Trao đổi với báo giới, Phó Chủ tịch Sefcovic đánh giá cuộc đối thoại 3 bên này "mang định hướng tương lai" và "tích cực."
Theo ông Sefcovic, các cuộc đàm phán, cũng bao gồm các Giám đốc điều hành thuộc Tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga và Tập đoàn Năng lượng Naftogaz của Ukraine, đã giúp thúc đẩy "niềm tin và cách tiếp cận mang tính xây dựng."
Ông nhấn mạnh điều này là cần thiết bởi thời gian không còn nhiều và tất cả các bên cần nhất trí về một thỏa thuận mới trước năm 2020.
Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Nga cho biết "các cuộc thảo luận diễn ra trong bầu không khí mang tính xây dựng," song thừa nhận các vấn đề hiện tại rất phức tạp và cần có thêm các cuộc thảo luận nghiêm túc khác, đặc biệt là về "các vấn đề khối lượng và kỹ thuật."
Ông khẳng định Moskva sẵn sàng gia hạn hợp đồng hiện tại, song nhấn mạnh trước khi một hợp đồng mới có thể được ký kết, Gazprom và Naftogaz cần giải quyết các vấn đề tồn đọng trước tòa án trọng tài ở Thụy Điển.
Nhu cầu nhập khẩu khí đốt của châu Âu đã không ngừng tăng kể từ năm 2015, phần lớn do sự sụt giảm sản lượng tại Hà Lan.
Trong khi đó, Nga lại là một trong những quốc gia có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới và mùa Đông năm ngoái, Tập đoàn Gazprom đã tăng lượng khí đốt xuất khẩu sang châu Âu ở mức kỷ lục.
Gazprom và các đốt tác đã lên kế hoạch hoàn thành dự án "Dòng chảy phương Bắc 2" kéo dài 1.200km trước cuối năm 2019, với mục tiêu tăng gấp đôi lượng vận chuyển khí đốt hiện tại của Nga thông qua "Dòng chảy phương Bắc 1."
Ngoài ra, một dự án khác có tên Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ cũng được dự kiến sẽ hoàn tất trước cuối năm tới, làm dấy lên quan ngại sẽ làm sụt giảm vai trò trung chuyển của Ukraine./.
Theo Vietnam+