Phần bờ biển chưa triển khai giai đoạn 2 dự án kè chống sạt lở khẩn cấp bờ biển, hiện đang bị sạt lở mạnh

Ông Trần Đế, Huỳnh Tèo (thôn Tân An), Nguyễn Hữu Tài, Lê Lương (thôn Tân Trung) bày tỏ sự bất an, khi biển càng ngày càng “khoét” sâu, tiến sát vào nơi ở của họ. “An cư mới lạc nghiệp. Chúng tôi đã bỏ ra bao nhiêu tiền bạc để xây dựng, đã ở trong ngôi nhà của mình, làm ăn sinh sống bao nhiêu năm. Nhưng với cái đà này, sớm hay muộn, chúng tôi phải di dời, bởi không thể sống trong nỗi bất an...”- ông Đế tâm sự.

Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết: Với đặc thù biển hở, phía ngoài không có vịnh bao quanh như một số địa bàn khác, gió, nước, xâm thực, sạt lở hầu như trực tiếp và xói mòn đất dưới chân vào nên tốc độ sạt lở rất nhanh. Thời tiết bình thường, tốc độ sạt lở xảy ra trên địa bàn xã từ 3-5 m/năm. Năm nào nhiều bão, áp thấp, tốc độ sạt lở tăng 5-7m/năm.

Năm 2017, dự án xây dựng kè chống sạt lở khẩn cấp bờ biển (dự án do tỉnh quản lý, kinh phí 100 tỷ đồng, nguồn của Trung ương) triển khai 886 m dọc bờ biển xã Phú Thuận. Giai đoạn 1, dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng khoảng 450 m, phát huy công năng, tác dụng rất lớn, giữ đất, bồi lấp đất rất hiệu quả. Thế nhưng phần còn lại của dự án, chưa triển khai giai đoạn 2, do đó sạt lở xảy ra dọc đoạn bờ biển (chưa xây bờ kè) này rất dữ, khiến người dân bất an. Theo ông Tùy, xâm thực, sạt lở là thực trạng, lo ngại chung đối với chính quyền và người dân xã Phú Thuận. Và hiện nay bị xâm thực, sạt lở ảnh hưởng nhà dân nặng nhất là khu vực thôn Tân An, Trung An.

Trước thực trạng xâm thực, sạt lở càng ngày càng mạnh (do biến đổi khí hậu, bão, áp thấp), xây dựng kè kiên cố để ngăn chặn là biện pháp hiệu quả nhất. Thế nhưng kinh phí nằm ngoài khả năng của xã, huyện. “Trước mắt, chúng tôi mong muốn giai đoạn 2 của dự án xây dựng kè chống sạt lở khẩn cấp bờ biển sớm triển khai thi công và hoàn thành đưa vào sử dụng càng sớm càng tốt, nhất là trước mùa mưa bão. Đồng thời, chính quyền địa phương tuyên truyền vận động các hộ dân nằm sát bờ biển trong khoảng cách không đảm bảo an toàn có phương án di dời đến vị trí an toàn. Địa phương đã bố trí quỹ đất 3,5 ha cho 160 hộ dân, ưu tiên các hộ trong diện phải di dời khẩn cấp. Tiếp đến, UBND xã thống kê, rà soát những hộ nằm trong khoảng cách không an toàn, những hộ có nguyện vọng di dời do sạt lở, để bố trí tái định cư.

Xã đã trồng thí điểm cây đước, cây bần nhưng các loại cây này không sống được vì đặc điểm bờ biển ở đây cát sâu chứ không thoai thoải. Vậy nên địa phương tăng cường trồng rừng dương phòng hộ. Nhưng về lâu dài, biện pháp căn cơ nhất là cần các ngành, các cấp đầu tư bờ kè chống sạt lở”- ông Tùy đề đạt ý kiến.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh