Tấm kính đúng là tạo sự sang trọng, lịch sự thật. Tuy nhiên đôi lúc lại gây ra sự vướng víu bất tiện, tạo cảm giác ức chế cho người đến thực hiện giao dịch. Gặp địa chỉ hoặc thời điểm giao dịch ít khách thì tạm ổn, còn nếu gặp nơi/thời điểm khách tới giao dịch đông, ồn ào thì rất bức bối. Người bên trong nói ra có thể còn có loa, còn người ngoài nói vào thì để cho “chủ” nghe được, không cách nào khác là phải “khom lưng cúi đầu” cho âm thanh lọt qua ô cửa (hy vọng để người ta còn biết mình nói gì mà giải quyết nhanh, đỡ mất thời gian chờ đợi). Nói bất nhã là vì vậy. Gặp trường hợp những người lớn tuổi không có ai giúp đỡ, phải trực tiếp đi làm giấy tờ, hay nộp viện phí..., thấy cái dáng “cúi đầu khom lưng” của họ trước những nhân viên giao dịch đáng tuổi con cháu, thật xốn xang, ức chế trong lòng. Chưa kể có khi nhân viên giao dịch ngồi trúng hướng mặt trời, để tránh bị nắng rọi, bèn đem miếng các tông che luôn mặt kính, người đến giao dịch càng phải “cúi mình” tối đa, nếu không thì chẳng thấy mặt nhân viên, khác nào đang “xưng tội” (?!!). Lại có có khi có loa nhưng nhân viên trao đổi, dặn dò khách hàng lại quên sử dụng. Đứng bên ngoài không nghe, hỏi lại thì sợ bị phàn nàn là “tối dạ”, việc có chút mà cứ hỏi mãi. Mà không hỏi thì trú trớ không biết đâu mà lần, xử lý trật bậy. Thế mới “thảm họa”! Tình trạng này thường thấy xảy ra ở các cơ sở khám chữa bệnh đông người, bà con vùng nông thôn, vùng xa lên phố chạy thầy chạy thuốc lạ lẫm, lóng ngóng, rất tội nghiệp.

Tạo không gian giao dịch văn minh, lịch sự là rất cần thiết. Tuy nhiên, cũng rất nên thỉnh thoảng “test” một chút, xem với không gian ấy, lưu lượng giao dịch ấy thì thiết kế như vậy đã phù hợp chưa, tiện lợi cho “khách hàng” chưa? Nếu chưa, thậm chí gây ra cảm giác “bất nhã” thì có lẽ phải rất nên điều chỉnh.

Hàn Yên