Hội LHPN huyện A Lưới tham gia ngày hội "Bữa ăn an toàn"

Từ lợi ích hội viên

Sáu tháng đầu năm 2018, Hội LHPN phường Phú Hậu (TP. Huế) phát triển mới 250 hội viên, đạt chỉ tiêu cả năm do hội cấp trên đề ra. Chia sẻ kinh nghiệm, chị Lê Thị Ngọc Lan, Chủ tịch Hội LHPN phường Phú Hậu cho biết: Xác định phụ nữ sẽ tìm đến hội khi được chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, nên cán bộ hội chủ chốt tích cực bám cơ sở, đồng hành cùng hội viên trong phát triển kinh tế, giúp họ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. “Hiện nay, thông qua kênh Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn giải quyết việc làm 120 của Trung ương Hội, Ngân hàng Liên Việt, Ngân hàng Đông Á, Quỹ tiết kiệm tự nguyện tại các chi hội..., Hội LHPN phường đang quản lý nguồn vốn khoảng 11 tỷ đồng”, chị Lan chia sẻ. Ngoài ra, Hội LHPN phường Phú Hậu còn phối hợp với Công ty TNHH May SH thành lập mô hình “Tổ liên kết đào tạo nghề và sản xuất hàng may mặc”, dạy nghề miễn phí và tạo việc làm cho gần 20 hội viên... Từ những việc làm đó, Hội LHPN phường Phú Hậu đã tạo được uy tín, thu hút nhiều phụ nữ đến với hội.

Hội LHPN phường Phú Hòa (TP. Huế) cũng là đơn vị làm tốt công tác thu hút hội viên với tỷ lệ gần 80% phụ nữ trên địa bàn. Chị Phạm Đặng Diễm Trang, Chủ tịch Hội LHPN phường cho biết, hội đã xây dựng nhiều câu lạc bộ, phù hợp với nhiều đối tượng hội viên để phụ nữ nào cũng tìm thấy được quyền lợi, niềm vui khi đến với hội. Đối với những hội viên nghèo làm chủ hộ, Hội LHPN phường lên kế hoạch nuôi heo đất hỗ trợ sinh kế giúp các chị khởi nghiệp để thoát nghèo bền vững. Chị Trần Thị Nga ở tổ 5, phường Phú Hoà kể, là phụ nữ đơn thân, một mình nuôi 2 con nhỏ nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Năm 2017, chị được Hội LHPN tạo điều kiện cho vay 15 triệu đồng và ủng hộ 5 triệu đồng để mở lò sản xuất mỳ. “Mới khai trương lò mỳ nên trước mắt vẫn còn khó khăn, nhưng để đền đáp tấm lòng của tổ chức hội, tôi nhất định sẽ vượt qua, vươn lên thoát nghèo. Với tôi, tổ chức hội phụ nữ như ngôi nhà thứ 2 của mình”, chị Nga bộc bạch. 

 Là huyện miền núi có gần 80% dân số là người dân tộc thiểu số, nhưng công tác phát triển hội viên của Hội LHPN huyện A Lưới đạt tỷ lệ khá cao với 80%. Chị Lê Thị Quỳnh Tường, Chủ tịch Hội LHPN huyện A Lưới chia sẻ: “Để chị em gắn bó, xem hội là điểm đến của mình thì cán bộ hội phải là những “chủ nhà” gần gũi, thân thiện. Cùng với đó là giúp đỡ cây giống, con giống, hướng dẫn cách chi tiêu hợp lý để phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc. Đầu năm nay, hội đã mạnh dạn thành lập “Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh nông sản an toàn”. Kết quả này không chỉ tạo việc làm cho nhiều hội viên, giúp người nông dân A Lưới tiêu thụ nông sản sạch mà còn tạo niềm tin, động lực thu hút hội viên”. 

Tiếp tục đổi mới

Công tác thu hút hội viên trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, mới chỉ đạt 50,4% tổng số phụ nữ từ 18 tuổi trở lên. Theo chị Cái Thị Diệu Trang, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Lộc, tỷ lệ tập hợp hội viên trên địa bàn huyện vẫn chưa đạt yêu cầu chủ yếu là do chị em đi làm ăn xã. Tại các xã Lộc Bổn, Lộc Sơn, Lộc Điền có khoảng 30 đến 35% phụ nữ qua Lào làm ăn, khiến hội hụt khá nhiều hội viên. Một số địa phương khác như thị xã Hương Thủy, huyện Phong Điền... nguyên nhân được cán bộ hội đưa ra là do quá trình đô thị hoá, nhiều diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi, chị em chuyển vào làm công nhân tại các nhà máy, các khu công nghiệp, làm theo ca kíp nên khó chủ động tham gia các phong trào hội.

Song, một nguyên nhân quan trọng là do các buổi sinh hoạt của hội còn mờ nhạt; đội ngũ cán bộ hội, nhất là cán bộ chi, tổ hội thiếu tự tin, mạnh dạn, chưa có kinh nghiệm nên chưa làm tốt vai trò người chủ trì, dẫn đến nội dung sinh hoạt hội thiếu thu hút. “Nơi nào cán bộ hội có kỹ năng và kinh nghiệm tốt, xây dựng được chương trình hoạt động hấp dẫn, có mô hình thiết thực hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của hội viên, công tác phát triển hội viên nơi đó vẫn đạt tỷ lệ cao”, chị Trần Thị Lý, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phong Điền nêu quan điểm.

Để khắc phục những khó khăn trong phát triển hội viên, chị Trần Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hội, thường xuyên tổ chức các chương trình trang bị kỹ năng lãnh đạo, điều hành sinh hoạt nhóm, kỹ năng mềm cho cho cán bộ hội. Mặt khác, đổi mới chương trình hoạt động, đa dạng hoá phương thức sinh hoạt, làm tốt công tác hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em; vận động các nhóm phụ nữ là doanh nhân, tri thức, phụ nữ tiểu thương cùng tham gia xây dựng phong trào. Tuy vậy, để làm được điều này đòi hỏi các cấp hội  phụ nữ phải nâng cao năng lực, đẩy mạnh công tác tham mưu để có chính sách hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền cơ sở.

Bài, ảnh: Hải Thuận